Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư 36 về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, ngân hàng, trong đó quy định cụ thể về các điều kiện cho vay với lĩnh vực đầu tư – kinh doanh cổ phiếu.
Cụ thể, từ 1/2/2015, các nhà băng chỉ được cấp tín dụng cho khách hàng đầu tư, kinh doanh cổ phiếu khi đã đảm bảo các tỷ lệ an toàn hoạt động (tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu CAR là 9%) và có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%.
Tổng dư nợ cấp tín dụng cho lĩnh vực đầu tư kinh doanh cổ phiếu cũng không vượt quá 5% vốn điều lệ, vốn được cấp của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho hay, đến 30/9/2014, tổng vốn điều lệ của các tổ chức tín dụng là hơn 435.500 tỷ đồng. Như vậy, mức trần dư nợ cho lĩnh vực đầu tư, kinh doanh cổ phiếu sẽ khoảng gần 21.800 tỷ đồng.
Tổng dư nợ cấp tín dụng cho lĩnh vực đầu tư kinh doanh cổ phiếu không được vượt quá 5% vốn điều lệ. |
Ngoài ra, khi cấp tín dụng cho lĩnh vực này, các nhà băng sẽ phải tuân thủ đầy đủ các quy định về quản trị rủi ro và trích lập đủ tiền dự phòng rủi ro theo quy định, tài sản đảm bảo cho khoản vay không được là chính cổ phiếu đó. Các ngân hàng cũng không được cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu của chính ngân hàng mình, trừ trường hợp cho người lao động của ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước để mua cổ phần lần đầu khi cổ phần hóa.
Theo Ngân hàng Nhà nước, việc ra các quy định trên nhằm minh bạch hóa dòng tín dụng của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Hạn chế và ngăn chặn việc cấp tín dụng sau đối tượng, vượt quá giới hạn quy định cũng như sử dụng đòn bẩy tài chính quá mức trong đầu tư, kinh doanh chứng khoán.
Thông tư cũng giúp kiểm soát chặt chẽ và hạn chế tác động tiêu cực của sở hữu chéo, nắm giữ, thâu tóm lẫn nhau thông qua việc cấp tín dụng để khách hàng đầu tư, kinh doanh cổ phiếu, sau đó nhận ủy quyền đại diện cổ đông cho khách hàng nắm giữ cổ phiếu tại tổ chức tín dụng khác.
Cũng nhằm hạn chế tác động tiêu cực của sở hữu chéo, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng, công ty tài chính chỉ được nắm vốn tối đa tại 2 tổ chức tín dụng và tổng mức sở hữu không quá 5% vốn cổ phần có quyền biểu quyết của tổ chức tín dụng.
“Quy định việc góp vốn, mua cổ nhằm hạn chế tối đa việc thao túng, kiểm soát của ngân hàng, công ty tài chính đối với các tổ chức tín dụng khác thông qua việc cùng với công ty con, công ty liên kết, công ty kiểm soát mua, nắm giữ cổ phiếu, góp vốn và mua cổ phần. Đồng thời, hạn chế đầu tư dàn trải ra ngoài ngành vừa không tập trung nguồn lực cho hoạt động chính vốn khó kiểm soát được rủi ro”, thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho hay.
Bên cạnh đó, động thái này cũng tạo lập cơ sở pháp lý trong việc thực hiện cơ cấu lại hệ thống khi Ngân hàng Nhà nước sử dụng và chỉ định ngân hàng, công ty tài chính tham gia xử lý các ngân hàng khác.
Từ nay tới khi Thông tư có hiệu lực, các ngân hàng được tiếp tục thực hiện các khoản cho vay đầu tư cổ phiếu, góp vốn mua cổ phần đã ký kết cho đến hết thời hạn của hợp đồng. Tuy nhiên, sau thời điểm 1/2/2015, các ngân hàng phải tuân thủ đúng các tỷ lệ, yêu cầu khi cho vay đầu tư kinh doanh cổ phiếu hoặc góp vốn mua cổ phần của tổ chức tín dụng khác.
Trong trường hợp các khoản cấp tín dụng cho khách hàng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu vượt quá 5% vốn điều lệ thì không được ký thêm bất kỳ hợp đồng tín dụng nào liên quan đến lĩnh vực này. Các nhà băng cũng có thời hạn tối đa một năm để thoái vốn và minh bạch hóa cơ cấu cổ đông nếu có tỷ lệ sở hữu tại các tổ chức tín dụng khác quá 5%.
Sau thời gian quy định, nếu các tổ chức tín dụng không khắc phục được vi phạm thì tùy theo mức độ, tính chất rủi ro, Ngân hàng Nhà nước sẽ áp dụng các biện pháp cần thiết, bao gồm tái cơ cấu, thu hồi giấy phép đối với tổ chức tín dụng và chi nhánh Ngân hàng nước ngoài.
Phương Linh