Lễ vinh doanh “Doanh nhân nữ ASEAN tiêu biểu” lần thứ II vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp tổ chức vào ngày 5/3 tại Hà Nội.
87 doanh nghiệp được nhận giải thưởng này được đánh giá cao về năng suất, chất lượng hoạt động, hiệu quả kinh tế, xã hội, đóng góp vào sự phát triển địa phương, ngành và đất nước. Đây cũng là những đơn vị đi đầu trong việc đổi mới công nghệ và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới; tiên phong phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật và bảo vệ môi trường sinh thái… Việt Nam có 7 nữ doanh nhân được tôn vinh, trong đó có bà Lê Hồng Thủy Tiên – Tổng giám đốc Công ty TNHH Liên Thái Bình Dương.
Doanh nhân Lê Hồng Thủy Tiên được vinh danh “Doanh nhân nữ ASEAN lần thứ 2”. |
Trước đó, tại Diễn đàn Doanh nhân nữ ASEAN diễn ra tại Khách sạn Melia, Hà Nội sáng 4/3, trước 150 đại biểu đến từ 9 nước ASEAN cùng đại diện của nhiều tổ chức quốc tế, Tổng giám đốc IPPG đã có bài thuyết trình bằng tiếng Anh chia sẻ kinh nghiệm điều hành và phát triển công ty. Bài phát biểu đã gây được ấn tượng với các đại biểu doanh nhân nữ tham dự.
Bà Lê Hồng Thủy Tiên chia sẻ kinh nghiệm với các doanh nhân nữ ASEAN tại diễn đàn. |
Thuyết trình tại diễn đàn, bà Thủy Tiên nhấn mạnh: “Là những nữ doanh nhân Việt Nam, chúng tôi tự hào vì được thừa hưởng truyền thống bất khuất quật cường của Bà Trưng – Bà Triệu, các nữ tướng của Việt Nam từ hàng nghìn năm trước. Nay đứng giữa thời bình, thương trường sẽ giống như một chiến trường. Trong bối cảnh hội nhập đầy thách thức này, chúng tôi càng phải tự phấn đấu và chiến đấu đến cùng để tồn tại và phát triển vững mạnh”.
Tuy nhiên, theo bà, để thành công, các doanh nghiệp cần chuẩn bị bài bản kế hoạch hành động để hội nhập sâu rộng. Kế hoạch này được đặt bởi nhiệt huyết và sự quyết tâm của cả một tập thể mà trước hết người lãnh đạo phải là người khởi xướng.
Chia sẻ kinh nghiệm với cộng đồng doanh nhân nữ ASEAN, bà Thủy Tiên cho biết: “Hơn 15 năm trong cương vị Tổng giám đốc điều hành IPPG, bản thân tôi và ban điều hành luôn rất thận trọng và cân nhắc trong việc phát triển công ty. Chúng tôi luôn tự đặt ra và trả lời nhiều câu hỏi trước khi hoạch định chiến lược bước vào giai đoạn phát triển lớn mạnh tiếp theo”.
Bà Lê Hồng Thủy Tiên trả lời câu hỏi tại diễn đàn cùng bà Ba Lilia Nevarrette (bên trái) – Chủ tịch Hội phụ nữ thương mại quốc tế (WIT-LA) và bà Anusree Tubsuwan – Trợ lý ban thư ký Thủ tướng Thái Lan, phụ trách Bộ Phát triển Xã hội và An sinh con người. |
Để định vị IPPG trong ngành kinh doanh cùng lĩnh vực và đánh giá cơ hội mở rộng ra sao, công ty đã phân tích tăng trưởng ngành kinh doanh chủ chốt so sánh với chỉ số kinh doanh ngành tại Việt Nam và khu vực, tạo ra vị trí nhất định trong ngành. Đây là điểm mạnh của doanh nghiệp nội địa. Công ty cũng xác định hướng đi dứt khoát, không đầu tư hoạt động dàn trải, chạy theo xu hướng trong khi nội lực chưa vững.
Việc đầu tư hệ thống CRM chăm sóc khách hàng của IPPG đã được được đặt ra từ nhiều năm trước để chất lượng phục vụ luôn ổn định và giữ uy tín công ty. Tại Việt Nam, IPPG muốn thành công khi kinh doanh các thương hiệu cao cấp, vị trí mặt bằng xứng tầm, vì vậy, công ty đã phải lên kế hoạch từ rất lâu để chọn và quy hoạch đầu tư vào các trung tâm thương mại cao cấp như Tràng Tiền và Rex Arcade.
Theo bà Thủy Tiên, để theo đuổi chiến lược mở rộng quy mô công ty, vốn là bài toán đau đầu nhất của các doanh nghiệp. Công ty cần các hỗ trợ tích cực từ Chính phủ và hệ thống ngân hàng để có đủ vốn phát triển. Để nhận được sự hỗ trợ, công ty luôn phải chứng minh tính khả thi của các dự án bằng những nghiên cứu bài bản, đi sát với thực tế, số liệu trung thực, phương thức quản lý khoa học hiệu quả, minh bạch, có phòng ngừa rủi ro.
“Chúng tôi luôn thực thi theo giá trị: tiêu tiền để kiếm tiền, có nghĩa là phải cân đối việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, phần cứng, phần mềm, quy trình để thích ứng từng giai đoạn phát triển hoặc mở rộng công ty, đồng thời phải tạo ra doanh số và lợi nhuận tương ứng, luôn phải tối ưu hóa nguồn vốn… Mỗi giấc mơ đều vĩ đại, nhưng sự nhẫn nại tìm tòi cơ hội tỏa sáng là thử thách mà chúng tôi phải vượt qua”, bà Thủy Tiên nhấn mạnh. Bà mong rằng đồng nghiệp và toàn thể chị em các nước ASEAN phát huy hơn nữa “quyền lực mềm” để phát triển và làm giàu đất nước trong thời kỳ hội nhập và toàn cầu hóa.
IPPG được thành lập từ năm 1985, theo mô hình công ty gia đình chỉ với 26 nhân viên. Đến nay, sau 30 năm, IPPG đã có 43 công ty con và công ty liên doanh tại Việt Nam, tạo công ăn việc làm cho 22.000 lao động trong nước, trong đó hơn 60% là lao động nữ và 70% lãnh đạo là nữ.
(Nguồn: IPPG)