Tốt nghiệp đại học ngành tài chính, Nguyễn Thị Thanh Nguyên chọn làm kế toán tại một công ty mì ăn liền của Thái Lan. Công việc tại đây giúp cô không chỉ nắm nguồn hàng, nguyên liệu xuất trong kho, mà còn tham gia sắp đặt toàn bộ hệ thống vận hành.
Sau 2 năm gắn bó, Nguyên được người thân mời về làm kế toán trưởng cho doanh nghiệp gia đình. Làm được một thời gian ngắn, cô cảm thấy thiếu tự do nên quyết định nghỉ việc chuyển sang thành lập công ty may mặc. Dù công ty làm ăn phát triển nhưng vấn đề khiến cô luôn đau đầu là thiếu nhân công và nguồn nguyên liệu. Thế nên khi gặp thời cơ Nguyên quyết định bán công ty và khởi nghiệp lại bằng nghề làm bánh phở.
“Sở dĩ tôi chọn làm bột và bánh phở là vì những năm 1980, với việc cho ra đời một lò phở ở Hàm Tân (Bình Thuận), bố mẹ đã kiếm được tiền để nuôi anh chị em chúng tôi ăn học thành tài. Để gìn giữ và phát triển nó, tôi quyết tâm bén duyên với nghề này”, Nguyên nói.
Màu sắc của sợi phở được làm từ rau củ quả. Ảnh: HD. |
Trước khi chuyển nghề, Nguyên dành cả 2 năm để nghiên cứu sản phẩm, cách làm bột phở, bánh phở, quy trình, công nghệ sản xuất sản phẩm tươi không hoá chất bảo quản. Đầu năm 2008, cô chính thức bắt tay vào thử nghiệm với số vốn đầu tư 800 triệu đồng.
“Các mẻ thử nghiệm đầu tiên với số lượng nhỏ khá thành công, bánh phở dai mà không bị gãy. Thế nhưng khi vào sản xuất hàng loạt với số lượng lớn thì chúng bị nát. Tôi liên tục phải bán thành phẩm hỏng cho những hộ nuôi heo với giá rẻ. Số tiền thiệt hại lên tới cả tỷ đồng”, Nguyên tâm sự.
Thất bại liên tục buộc Nguyên phải kiểm tra lại toàn bộ hệ thống máy móc để rà soát lỗi. Cuối cùng cô phát hiện chất lượng gạo không tốt. Chủ vựa gạo thay vì bán gạo theo yêu cầu thì đã tráo sản phẩm và liên tục giao những lô hàng kém chất lượng.
“Khi phát hiện mình bị lừa dối, tôi rất buồn và ngay lập tức đổi nhà cung cấp nguyên liệu, giám sát quy trình cũng như nguồn nguyên liệu khắt khe từ đơn vị mới. Từ đó, sản phẩm sản xuất hàng loạt với số lượng lớn luôn cho ra đồng đều, dai và đạt chất lượng. Việc lựa chọn công nghệ, xây dựng quy trình tốt, đã giúp tôi tiết kiệm được 5 ngày so với công đoạn làm sạch gạo, ngâm, xay, tráng bánh truyền thống. Ngoài bánh phở, máy cũng làm được bánh ướt, bún tươi sử dụng trong 36 giờ mà không sử dụng chất tạo dai, hàn the, formol”, Nguyên nói và cho biết, để tạo thêm sự phong phú cho sản phẩm, cô đã nghiên cứu và chế tạo màu sắc tự nhiên cho sợi phở, phở cuốn bằng các loại rau củ quả như gấc, bí đỏ, cải xanh, khoai môn, gạo lức, cà rốt… Và chỉ trong thời gian ngắn thử nghiệm, sợi phở “bảy sắc cầu vồng” đã thành công, được khách hàng đón nhận.
Phở cuốn 7 sắc có quy trình làm khó hơn sợi phở. |
Chia sẻ sự khác biệt so với bánh phở thông thường, Nguyên cho biết công đoạn làm sợi và bánh phở “bảy sắc cầu vồng” tốn nhiều thời gian hơn. Đặc biệt, bánh phở cuốn làm khó hơn bánh phở nước. Nếu bánh phở cuốn không thẳng, có nếp nhăn thì sản phẩm làm ra sẽ không cuốn được. Mặt khác, sợi, bánh phở có màu dễ nát nên công đoạn làm bột phải kỹ hơn rất nhiều so với sản phẩm thông thường. Chi phí làm ra sản phẩm cũng tăng thêm 50%. Bởi, cứ 1kg bánh phở đòi hỏi cộng thêm nửa kg rau củ để tạo màu sắc.
Cửa hàng đầu tiên chế biến phở, phở cuốn, bánh ướt, bún… của Nguyên được mở tại Sư Vạn Hạnh (TP HCM). Sau đó, cô phải trả lại mặt bằng cho chủ nhà nên chuyển sang đường Bùi Viện (quận 1), rồi tiếp tục mở cửa hàng thứ 2 tại quận 10.
Hiện tại, xưởng làm bột phở, sợi và bánh phở của Nguyên chỉ sản xuất khoảng 2 tấn một tháng, cung cấp đủ nguyên liệu cho 2 cửa hàng và khách hàng mua lẻ. Trước đó, đã có hệ thống siêu thị lớn tại TP HCM muốn Nguyên cung ứng hàng nhưng cô từ chối vì chưa sẵn sàng. Riêng lợi nhuận tại 2 cửa hàng, cô cho biết tỷ suất sinh lời luôn trên 30%.
“Mặc dù lợi nhuận ở cửa hàng khá tốt nhưng ước mơ xây dựng một nhà xưởng lớn ở nước ngoài để mang phở ‘bảy sắc cầu vồng’ xuất ngoại luôn chiếm trọn tâm trí tôi”, Nguyên cho biết và chia sẻ thêm, mới đây, ước mơ này đang dần thành hiện thực khi cô sẽ cùng 3 Việt kiều tại Mỹ đầu tư một triệu USD để mở nhà xưởng rộng 1.000m2 tại miền Bắc California vào quý III. Ban đầu, xưởng sẽ làm sợi phở tươi và khô. Bột phở được nhập từ Việt Nam. Hàng chủ yếu bỏ sỉ cho các quán phở, chợ, siêu thị. Nếu thành công, mô hình sẽ tiếp tục mở rộng chi nhánh ở miền Nam California và San Diego.
Trước đó, thương hiệu Phở Hai Thiền của Nguyên cũng đã ký được nhiều hợp đồng phân phối độc quyền công nghệ “Chỉ 1 phút là có ngay sợi phở tươi ngon, an toàn” với các thị trường Canada, Đức, Hàn Quốc, Na Uy… Riêng tại Australia, đối tác của Nguyên đang là đơn vị phân phối độc quyền.
Nguyên cũng cho biết thêm, trước đó cô cùng với nhóm nhà đầu tư đã dành rất nhiều thời gian để nghiên cứu thị trường. Hiện tại, theo đánh giá của Nguyên và các nhà đầu tư, nguồn cung cấp sợi, bánh phở tại Mỹ vẫn chưa đủ cầu nên đây là thị trường còn nhiều tiềm năng.
Thi Hà