Càng lớn càng khó – nghịch lý của các hãng dầu

Hồi tháng 2, đại gia dầu khí Royal Dutch Shell hoàn tất mua lại BG Group (Anh). Hãng năng lượng Mỹ – Exxon Mobil cũng tăng trưởng ổn định thời gian qua. Những việc này đã tạo ra một khái niệm mới trong ngành công nghiệp – đó là các hãng dầu siêu lớn. Lãnh đạo các công ty nhỏ hơn thậm chí còn đùa rằng Chevron, Total, BP, ConocoPhillips và ENI chỉ là các doanh nghiệp vốn hóa trung bình nếu so với 2 đại gia trên.

Tuy nhiên, khi giá dầu mỏ và khí đốt lao dốc, Exxon và Shell lại buộc phải thu mình. Giá dầu hiện chỉ nhỉnh hơn 30 USD, khiến cả hai phải giảm chi tiêu, trong đó có các dự án rất lớn, đắt đỏ với rủi ro cao. Shell đã từ bỏ dự án cát dầu Carmon Creek công suất 80.000 thùng mỗi ngày tại Alberta (Canada) năm ngoái, khi chỉ vừa mới bắt đầu. Còn Exxon sẽ giảm chi 25% năm nay, so với năm 2015.

“Quy mô rất quan trọng vào cuối thập niên 90 và những năm 2000. Trong quá khứ, các công ty đều thiếu vốn. Do đó, quy mô lớn là một lợi thế. 15 năm qua, họ đều phấn đấu để lớn hơn nữa. Nhưng ngày nay, tất cả đều xoay quanh sự linh hoạt và chi phí thấp”, Michele Della Vigna – nhà phân tích dầu tại Goldman Sachs nhận xét.

nghich-ly-cua-cac-hang-dau-cang-lon-cang-kho

Shell đã mua lại BG để tăng quy mô. Ảnh: Bloomberg

Vấn đề của các hãng dầu siêu lớn hiện tại là họ quá lớn, đến nỗi số dự án cần ngừng lại cũng phải nhiều hơn, và lớn hơn thì mới tác động được đến sản xuất. Quy mô của Exxon và Shell đã chạm đến điểm mà chính họ đang gây rắc rối cho mình, Tom Ellacott – Phó chủ tịch hãng tư vấn dầu mỏ Wood Mackenzie nhận xét.

Khi giá dầu còn ở 100 USD một thùng, các hãng này chuyển hướng khai thác sang các mỏ dầu sơ khai ở những vùng khó, sâu và thời tiết khắc nghiệt nhất thế giới. Họ đầu tư hàng tỷ USD cho các dự án kéo dài đến cả thập kỷ ở Kazakhstan, Angola hay Bắc Cực.

Nhưng với thời kỳ giá thấp, phần lớn các dự án này sẽ không thể mang lại lợi nhuận 15-20% như họ kỳ vọng. Đầu tháng này, Shell đã thông báo với các nhà đầu tư rằng sẽ chi ít hơn 6,5% so với năm ngoái. Exxon cũng giảm đầu tư vào việc thuê giàn khoan, đường ống dẫn khí và nhiều dự án khác xuống thấp nhất 10 năm.  

Dù vậy, lãnh đạo 2 hãng vẫn cho rằng quy mô lớn là lợi thế. “Quy mô và sự đa dạng dòng tiền, cùng năng lực tài chính, đã giúp chúng tôi tự tin đầu tư”, CEO Exxon – Rex Tillerson cho biết hồi đầu tháng. Người đồng cấp của ông tại Shell cũng đồng tình với quan điểm này. “Hôm nay, chúng ta sẽ thấy sự xuất hiện của hãng dầu tốt nhất ngành”, CEO Shell – Ben Van Beurden nhận xét về việc thâu tóm BG.

Các số liệu cũng cho thấy Exxon và Shell đang bỏ xa nhiều công ty. Dòng tiền của Exxon và Shell năm ngoái là trên 30 tỷ USD. Chevron đứng thứ 3 với hơn 20 tỷ USD, còn Total và BP bị bỏ khá xa phía sau.

Tương tự, Exxon sản xuất hơn 4 triệu thùng một ngày. Shell cũng đang thu hẹp khoảng cách với đối thủ Mỹ, với 3,7 triệu thùng. Trong khi đó, các đối thủ còn lại chỉ khoảng 2,5 triệu thùng hoặc ít hơn.

Thêm vào đó, cả hai công ty đều có hoạt động lọc hóa dầu. Việc này cũng giúp họ có lợi thế khi giá dầu thô giảm. Exxon và Shell là hai hãng lọc dầu lớn nhất thế giới. Năm 2015, lợi nhuận từ hoạt động lọc dầu và các sản phẩm hóa dầu đã giúp bù đắp phần nào lợi nhuận yếu từ sản xuất dầu.

Thách thức với cả 2 hãng này là làm thế nào tiếp tục tăng trưởng nếu giá dầu còn thấp. Cả hai công ty đến nay đều có vẻ vẫn muốn tăng quy mô. Shell đã mua BG. Và theo nhiều nhà phân tích trong ngành, câu trả lời của Exxon trong vài năm tới cũng tương tự – mua một đối thủ khác, có thể là trong mảng sản xuất dầu đá phiến, với các dự án nhỏ hơn và có thể hoàn thiện nhanh hơn.

Còn với Daniel Yergin – nhà lịch sử học về dầu mỏ, kiêm Phó chủ tịch hãng tư vấn IHS, sự bành trướng của Exxon và Shell có lẽ sẽ đánh dấu cho chương tiếp theo của ngành dầu – Kỷ nguyên của những hãng siêu lớn.

Hà Thu(theo Bloomberg)