Ủy ban giải pháp chiến lược có sự tham gia của các cố vấn từ hãng tài chính Goldman Sachs, JP Morgan Chase và PJT Partners. Theo đó, ủy ban sẽ xem xét, phân tích và đề xuất với ban giám đốc những giao dịch có lợi cho toàn thể nhân viên và cổ đông.
Bà Marissa Mayer – Giám đốc Điều hành Yahoo cho biết, tất cả mọi thành viên đang nỗ lực cho sự trở lại của một công ty mang tính biểu tượng toàn cầu. “Chúng tôi sẽ đạt được điều này qua hợp tác với ủy ban để đưa ra các chiến lược thay thế phù hợp tốt nhất. Song song đó, công ty thực hiện chiến lược đã đề ra nhằm củng cố tăng trưởng kinh doanh, nâng cao hiệu quả và lợi nhuận”, CEO Yahoo chia sẻ.
Theo giới truyền thông, một hãng lớn có thể mua lại Yahoo là Verizon Communications. Trước đó, Lowell McAdam – CEO Verizon Communications cũng đã tiết lộ với phóng viên của CNBC’s Mad Money nhiều khả năng công ty sẽ tham gia vào thương vụ đàm phán mua lại Yahoo trong thời gian tới.
Do hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn, vào đầu tháng 2, Yahoo tuyên bố sẽ sa thải khoảng 15% nhân lực. Cổ phiếu của hãng đã tăng 2,3% lên 30,09 USD một cổ phiếu trong phiên giao dịch thứ Sáu tuần trước, nhưng tổng thể vẫn bị suy giảm hơn 30% trong 12 tháng qua.
Hiện Google chiếm khoảng 63,8% thị trường tìm kiếm trên máy tính để bàn, tiếp đến là Bing và Yahoo đứng thứ 3 với 12,4% thị phần. Ông Gustavo Morais – Giám đốc Sáng tạo Công ty ST8 Creative Solutions cho biết, vị trí xếp hạng này của Yahoo tác động nhiều đến việc giao dịch với khách hàng cũng như đưa ra những ứng dụng kinh doanh.
“Nếu nói về công cụ tìm kiếm tiếp thị giữa Yahoo và Google thì quả thật Yahoo chỉ được một phần rất nhỏ trong toàn cảnh thị trường. Tôi hiện không dùng Yahoo và thật sự cũng không biết hiện đối tượng nào đang sử dụng nó. Tôi nghĩ rằng đây có thể hậu quả từ việc xây dựng thương hiệu”, Morais nói.
Giáo sư Stephen M. Rapie thuộc Đại học Pepperdine, chuyên gia nghiên cứu marketing và đưa ra các giải pháp tiếp thị Internet cho rằng, vấn đề của Yahoo đến từ việc họ quá tự mãn và tập trung vào nhu cầu phát triển của công ty hơn là thấu hiểu nhu cầu luôn thay đổi của khách hàng.
Từng có thời gian làm việc với Yahoo, vị giáo sư đánh giá công ty đã mắc nhiều sai lầm trong chiến lược phát triển, nhất là trong việc thay đổi tối ưu hóa công cụ tìm kiếm và loay hoay trong chiến lược tiếp thị.
Giáo sư Stephen M. Rapie cũng cho rằng Yahoo quá thiếu hiểu biết về nhu cầu khách hàng và điều đó khiến họ phải trá giá trong thế giới Internet luôn vận động với tốc độ chóng mặt. Vì vậy nếu muốn tìm lại ánh hào quang, họ phải thay đổi rất nhiều để thích nghi với những xu thế mới của thị trường tìm kiếm trực tuyến.
Minh Trí