Theo giới truyền thông Trung Quốc, hơn 20 nghi phạm đã bị bắt giữ trong ngày 1/2, trong đó có cả Ding Ning – người điều hành E-zubao – một nền tảng cho vay ngang hàng hứa hẹn trả lãi tới 15% tại Trung Quốc. Xinhua cho biết Ding Ning và 20 người khác bị cáo buộc đã biển thủ 50 tỷ NDT (7,6 tỷ USD) của khoảng 900.000 nhà đầu tư mới để trả nợ cho các nhà đầu tư hiện tại.
Chính quyền Trung Quốc bắt đầu điều tra công ty của Ding là Yucheng Group từ cuối năm ngoái. Trong quá trình điều tra, các quan chức đã phát hiện 1.200 sổ kế toán được giấu trong bao tải chôn sâu hơn 6m dưới đất.
E-zubao mới thành lập cách đây 1,5 năm và nổi lên từ thế giới ngân hàng ngầm của Trung Quốc. Vì không nằm dưới sự kiểm soát của hệ thống tài chính quốc gia, E-zubao thường đưa ra các sản phẩm đầu tư mập mờ có lãi suất cao hơn nhiều so với thị trường.
Những dịch vụ quản lý tài sản như vậy đang phát triển rất mạnh tại Trung Quốc, bởi nhu cầu đầu tư tiền tiết kiệm của người dân ngày càng tăng. Mặt khác, trong bối cảnh thị trường chứng khoán nội địa hỗn loạn và thị trường bất động sản khủng hoảng, các nhà đầu tư cá nhân có rất ít lựa chọn để kiếm lợi nhuận. Hơn nữa, những dịch vụ này thường lại được quảng cáo bởi các ngân hàng quốc doanh lớn với tính đảm bảo cao.
Giới chuyên gia từ lâu đã coi lĩnh vực ngân hàng ngầm là “quả bom nổ chậm” đối với nền kinh tế Trung Quốc. Cho đến nay, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới vẫn tăng trưởng thụt lùi, làm dấy lên nhiều lo ngại về khả năng trả nợ của người dân và doanh nghiệp.
Ponzi được đặt tên theo Charles Ponzi – kẻ lừa đảo nổi tiếng nước Mỹ thập niên 20. Mô hình này cam kết trả lãi suất lên tới hàng chục phần trăm mỗi năm, dùng tiền của người sau trả cho người trước. Những vụ lừa đảo Ponzi nổi tiếng thế giới thường có quy mô hàng tỷ USD. |
Kim Dung(theo CNN)