Đại biểu Quốc hội trăn trở chuyện vay nợ, sản xuất khó khăn

10 ngày sau khi lắng nghe báo cáo của Chính phủ về tình hình đất nước một năm qua và kế hoạch cho thời gian tới, các đại biểu Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận hội trường trong vòng 3 phiên làm việc, xung quanh các vấn đề kinh tế – xã hội. Trước đó, cùng với báo cáo tổng quát được Thủ tướng trình bày, đại diện Chính phủ cho biết cơ quan điều hành đã gửi tới các đại biểu 49 báo cáo về các lĩnh vực khác nhau.

Video: Phát biểu khai mạc của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

Một trong những phát biểu gây được chú ý nhất trong phần thảo luận đầu giờ sáng thuộc về đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên), liên quan đến vấn đề nhận và sử dụng vốn viện trợ phát triển (ODA). Đánh giá cao những lợi ích mà dòng vốn này mang lại cho kinh tế Việt Nam trong vòng 20 năm qua, song đại biểu cho rằng do cơ chế sử dụng nguồn tiền giá rẻ này tại Việt Nam còn nhiều bất cập, các dự án lại trở thành nơi dễ bị lợi dụng, phát sinh nhiều tiêu cực, gây thất thoát, ảnh hưởng đến chất lượng công trình, uy tín với nhà tài trợ như trong các vụ PMU 18, JTC…

“Bên cạnh đó, Quốc hội, người chịu trách nhiệm cao nhất về nợ công và người dân, chủ thể phải đóng thuế và là người trả nợ cuối cùng gần như đứng ngoài quy trình về quản lý ODA”, vị này nhận định. Trước thực tế này, bà Nga cho rằng cần có quy định chặt chẽ các lĩnh vực sử dụng vốn ODA, tránh tình trạng phân bổ dàn trải, không tập trung cho lĩnh vực đầu tài, tạo tâm lý ỷ lại, không nỗ lực tìm kiếm các nguồn vốn khác. 

Le-Thi-Nga-5959-1414638882.jpg

Đại biểu Lê Thị Nga cho rằng Chính phủ cần nghiên cứu lộ trình dừng nhận ODA trong một tương lai không xa.

Đặc biệt, vị đại biểu này cho rằng cần nhận thức đúng đắn về vốn, đặt kế hoạch để chấm dứt nhận ODA trong một tương lai không xa, bởi lệ thuộc vào dòng vốn này được xem là thất bại của chiến lược phát triển. “Như Hàn Quốc đã dừng nhận ODA sau 20 năm và “tốt nghiệp” sau 30 năm. Có ý thức này thì mới sử dụng và quản lý hiệu quả ODA”, bà nói.

Chia sẻ với đại biểu đoàn Thái Nguyên, ông Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) cũng nhấn mạnh nếu không giám sát chặt chẽ sử dụng vốn ODA sẽ gây ảnh hưởng đến nợ công. Đây cũng là vấn đề được các đại biểu Nguyễn Cao Sơn (Hòa Bình), Cao Sĩ Kiêm (Thái Bình)… quan tâm và yêu cầu Chính phủ làm rõ. Trước đó, báo cáo của cơ quan điều hành cho thấy nợ đang tăng nhanh, tỷ lệ chi trả trực tiếp từ ngân sách ở mức 14,2%, trong ngưỡng cho phép tại chiến lược Quản lý nợ công (không quá 25%). Tuy nhiên, nếu tính cả phần vay đảo nợ, con số này hiện đã ở mức 26,2% GDP.

Trong khi vay nợ tăng, vấn đề căng thẳng ngân sách cũng được nhiều ý kiến đưa ra. Đại bảo Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP HCM) đặt câu hỏi vì sao ngân sách căng thẳng đến nỗi không có nguồn tăng lương. Vị này đề nghị vấn đề này, cùng với câu chuyện nợ công, phòng chống tham nhũng… cần được Chính phủ báo cáo một cách rõ ràng, minh bạch hơn. 

Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Đã đến lúc Việt Nam tăng trưởng cao trở lại

Bên cạnh câu chuyện nợ nần, nhiều đại biểu cũng bày tỏ sự quan tâm đến quá trình phục hồi kinh tế, hoạt động của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn. Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP HCM) cho rằng đánh giá lại giai đoạn 3 năm qua, nhận định kinh tế phục hồi là có cơ sở (GDP tăng dần từ 5,25% năm 2012 lên 5,8% năm nay).

Trong phần phát biểu đầu phiên họp, đại biểu Nguyễn Cao Sơn (Hòa Bình) đề nghị Quốc hội thông qua chủ trương xây dựng sân bay Long Thành ngay tại kỳ họp này. Theo đại biểu, đây là dự án trọng điểm quốc gia, việc thực hiện đầu tư là phù hợp, nếu trễ sẽ để lỡ cơ hội, mất lợi thế cạnh tranh với các nước trong khu vực. Quan điểm này cũng được đại biểu Đào Tấn Lộc (Phú Yên) ủng hộ.

Tuy nhiên, nếu so sánh với tăng trưởng tiềm năng và mức thực hiện giai đoạn trước, chuyên gia kinh tế cho rằng kết quả đạt được còn khiêm tốn. Đã đến lúc Việt Nam phải tăng trưởng cao trở lại nhưng phải có quyết sách đúng đắn”, vị này nói.

Đồng ý với mục tiêu GDP 2015 tăng 6,2%, lạm phát 5%, song đại biểu cho rằng tổng đầu tư toàn xã hội phải nâng lên 32% GDP, thay vì kế hoạch 30% hiện nay. Ngoài ra, Chính phủ cần có giải pháp hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp vay trung dài hạn để đầu tư, tăng sản xuất trong nước, giảm độ mở nền kinh tế để tránh tổn thương. Cùng với đó là các giải pháp cải cách thủ tục hành chính,”con người hành chính”, các quyết sách an dân, giảm tệ nạn ma túy, ưu tiên nguồn lực cho công nghiệp công nghệ cao… 

Đại biểu Nguyễn Thị Huệ nói về

việc áp dụng công nghệ thông tin để tìm đầu ra cho nông nghiệp

Theo báo cáo thẩm tra, Quốc hội nhìn nhận thực tế tổng cầu vẫn suy giảm, tồn kho tăng 13,4% (cao hơn 2013), số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động còn lớn (hơn 70.000 doanh nghiệp sau 9 tháng). Việc xử lý nợ xấu chậm, hoạt động của Công ty Quản lý tài sản (VAMC) cũng là vấn đề được Quốc hội tập trung thảo luận.

Cùng với kinh tế, cử tri cả nước cũng chờ đợi Quốc hội có những thảo luận chất lượng, những câu trả lời xác đáng xung quanh những vấn đề xã hội bức thiết như đổi mới giáo dục, y tế, an toàn giao thông, quy hoạch, đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, phòng chống tệ nạn xã hội…

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm nói về

những khó khăn trong quản lý người nghiện

Tại phiên khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng từng nhận định kỳ họp diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế đã ổn định hơn, với một số tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, tình hình vẫn còn nhiều khó khăn, yếu kém, đời sống kinh tế xã hội chịu nhiều tác động từ diễn biến phức tạp tại biển Đông.

Trong các phiên thảo luận lần này, chủ tọa kỳ họp cũng sẽ lần lượt mời các thành viên Chính phủ tham gia giải đáp thắc mắc của các đại biểu. Ngay phiên thảo luận chiều 30/10, theo kế hoạch được Phó chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân thông báo, dự kiến sẽ có Bộ trưởng Tài chính – Đinh Tiến Dũng và Bộ trưởng Tài nguyên & Môi trường – Nguyễn Minh Quang tham gia ý kiến.

Nhật Phương – Chí Hiếu

0913.756.339