Phát biểu tại phiên thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế – xã hội sáng nay, đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng) đánh giá cao tính dự báo của kế hoạch năm 2014, khi kết quả thực tế cho thấy 13/14 chỉ tiêu đã đạt được. Tuy nhiên, trong khi cả 11 chỉ tiêu về tiêu tiền của giai đoạn 2011-2015 đều đạt, 7 chỉ tiêu về sản xuất, làm ra tiền lại không thể hoàn thành.
Đại biểu Nguyễn Đức Kiên nói về nợ công, phát hành trái phiếu đảo nợ |
“Trong bối cảnh sản xuất khó khăn, nếu cứ đưa ra chỉ tiêu tiêu tiền như vậy thì liệu có nuôi được nguồn thu cho ngân sách Nhà nước không, hay đó lại là nguyên nhân khiến nợ công, phát hành trái phiếu tăng lên”, ông Kiên nói.
Dẫn lời Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, rằng tỷ lệ nợ công tăng từ mức 50% năm 2011 lên 64% GDP năm 2015 (tốc độ tăng nợ khoảng 18-25% một năm), vị chuyên gia này nhấn mạnh đã tiêu hết dư địa về nợ công cho 6 năm tới. “Tỷ lệ nợ công 65% GDP là theo chiến lược quản lý nợ công đến năm 2020, mà đến 2015 đã là 64%. Như vậy có phải chúng ta tiêu hết của 6 năm về sau không”, ông phát biểu.
Chung quan điểm, nhiều đại biểu kiến nghị cần bình tĩnh đối phó với nợ công, có đầu mối để quản lý vấn đề này, tránh ảnh hưởng đến tín nhiệm quốc gia. Sau những chất vấn hôm qua, trên bàn đại biểu sáng nay đã có văn bản chính thức của Chính phủ về vấn đề này. Tuy nhiên, đại biểu Đỗ Thị Hoàng (Quảng Ninh) vẫn yêu cầu cần quản lý chặt và có chiến lược trả nợ, nhất là năm 2016, theo nguyên tắc “cất gạch, xây lâu đài cho ngày mai”.
“Nợ công của Việt Nam đã vượt 84 tỷ USD, xấp xỉ 900 USD một người. Dư nợ tăng nhanh, sát ngưỡng an toàn, trong khi nguồn thu chủ yếu từ khoáng sản, thu thuế trực thu thấp do kinh tế phát triển thấp”, bà Hoàng nói.
Đại biểu Nguyễn Thanh Sơn (Nam Định) cũng bày tỏ sự bất an với nợ công, trong khi Chính phủ khẳng định an toàn, chưa vượt ngưỡng cho phép. “Thật khó yên tâm khi dư nợ tăng về số tuyệt đối, đồng thời tiến nhanh đến giới hạn cho phép”. Do đó, ông khẳng định Quốc hội cần chia sẻ, đồng cảm và cùng chịu trách nhiệm với Chính phủ về quản lý nợ công, bởi Quốc hội chính là người ấn nút thông qua Luật quản lý nợ công, thông qua các dự án sử dụng vốn…
“Quan trọng của nợ công không phải cao bao nhiêu, nhiều bao nhiêu, mà là sử dụng thế nào cho hiệu quả, tiết kiệm, tránh lãng phí, thất thoát. Đừng để người dân thấy vốn vay, vốn huy động lãng phí, rơi vào túi người tham nhũng”, vị đại biểu đoàn Nam Định nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Thanh Sơn tiếp tục trăn trở về nợ công |
Riêng về năng suất lao động, sau bài phát biểu của Chủ tịch Mặt trận tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân ngày hôm qua, đại biểu Nguyễn Bắc Việt vẫn yêu cầu cần đánh giá căn cơ về lĩnh vực này, phải xem xét tại sao năng suất lao động lại thấp, yếu kém ở lĩnh vực nào.
Liên quan đến kế hoạch kinh tế năm 2015, Phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế – Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh không nên đưa thêm những chính sách làm hài lòng các đối tượng khác mà nên giữ đúng theo đường ray hiện tại. Nguyên nhân là do thời gian qua Việt Nam đã có nhiều chính sách nhưng phần nhiều chưa đi vàocuộc sống.
Cũng trong sáng nay, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cũng báo cáo về vấn đề phát triển nông nghiệp, nông thôn. Theo ông, hiện nay Bộ đang triển khai nhiều biện pháp để tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản… để tăng giá trị gia tăng của ngành.
Bộ trưởng Cao Đức Phát báo cáo Quốc hội về phát triển nông nghiệp – nông thôn |
Liên quan đến phát triển kinh tế biển, Bộ trưởng Cao Đức Phát thừa nhận sản lượng đánh bắt trên biển đang tăng trưởng thấp hơn sản lượng nuôi trồng. Song ông cũng cho rằng điều này là phù hợp với chiến lược phát triển ngành thủy sản, bởi trữ lượng tôm, cá, hải sản trên biển sẽ bị giới hạn trong tương lai.
Về những khó khăn của ngành cá tra, ông khẳng định Chính phủ đang làm nhiều biện pháp để mở rộng thị trường cho lĩnh vực, song không thể đưa các doanh nghiệp cá tra vào đối tượng hưởng chính sách ưu tiên, bởi khi đó các nước có thể cáo buộc doanh nghiệp Việt Nam được hưởng trợ cấp và áp thuế.
Phương Linh – Quang Dũng