Sau danh sách 100 cá nhân, 50 phụ nữ và 30 gia đình có tài sản lớn, VnExpress và đối tác cung cấp dữ liệu – Công ty CP chứng khoán VNDIRECT tiếp tục gửi tới bạn đọc thống kê giá trị cổ phiếu sở hữu của 500 người giàu nhất trên sàn năm 2015, nhằm cung cấp cái nhìn toàn diện, khách quan nhất về tài sản của cổ đông, lãnh đạo các doanh nghiệp trong một năm nhiều biến động của thị trường.
Theo giá đóng cửa phiên ngày 31/12/2015, tổng tài sản cổ phiếu của 500 người giàu nhất sàn năm qua đạt trên 102.900 tỷ đồng, tương đương 4,5 tỷ USD và tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, riêng Top 100 đã sở hữu khối tài sản hơn 83.653 tỷ đồng, tăng 2,3% so với cùng kỳ.
Danh sách 500 người giàu nhất sàn chứng khoán năm 2015 |
Năm nay, tài sản của nhiều đại gia công nghệ, ôtô, địa ốc… ghi nhận sự bứt phá mạnh mẽ. Nhờ thị trường bất động sản ấm lại, giá trị chứng khoán của cổ đông các doanh nghiệp trong nhóm này tăng nhanh. Thống kê trong Top 500 cho thấy có tới 97 đại diện của các doanh nghiệp đầu tư bất động sản.
Người giàu nhất sàn năm nay cũng là một đại gia trong lĩnh vực này – Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng – khi năm thứ 6 liên tiếp giữ vị trí quán quân, với tài sản tiến gần mốc 1,1 tỷ USD (24.332 tỷ đồng). Tổng tài sản của vợ ông là bà Phạm Thu Hương và em gái là Phạm Thuý Hằng – 2 Phó chủ tịch của doanh nghiệp – cũng vượt gần 7.000 tỷ.
Top 20 người giàu nhất cũng có nhiều đại gia địa ốc góp mặt với tài sản hàng nghìn tỷ đồng: Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai – ông Đoàn Nguyên Đức, ông Nguyễn Văn Đạt – Chủ tịch Địa ốc Phát Đạt, ông Đặng Thành Tâm – Chủ tịch Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc, Chủ tịch Tập đoàn FLC – Trịnh Văn Quyết…
Đại diện các doanh nghiệp bất động sản tiếp tục chiếm ưu thế trong danh sách năm nay. (Chi tiết) Ảnh: A.D |
Ngoài “ngành nóng” địa ốc, Top 500 còn có sự hiện diện của 30 doanh nhân thép, 36 đến từ lĩnh vực thực phẩm, 12 đại diện doanh nghiệp ôtô, 40 của các công ty xây dựng công trình, 29 đại gia ngân hàng và 20 trường hợp là cổ đông các công ty nông – thuỷ sản. Một số doanh nhân hoạt động trong các ngành dịch vụ máy tính, dược phẩm, phần cứng… cũng có mặt trong danh sách năm nay.
Xét theo doanh nghiệp Tập đoàn Hòa Phát (Mã CK: HPG), Tập đoàn Vingroup (Mã CK: VIC) và Tập đoàn FPT (Mã CK: FPT) là 3 đơn vị đóng góp nhiều đại diện nhất cho danh sách với 7-10 gương mặt. Về địa phương, TP HCM là nơi có nhiều đại gia công bố đăng ký thường trú nhất với 119 đại diện. Tiếp theo là Hà Nội với 78 doanh nhân, Hải Phòng (6), Đồng Nai (6), Đà Nẵng (4), An Giang (11)…
2015 cũng là năm ấn tượng của các doanh nhân trẻ trên sàn chứng khoán: Nguyễn Ngọc Huyền My, con gái Chủ tịch Quốc Cường Gia Lai – Nguyễn Thị Như Loan có tổng tài sản hơn 200 tỷ đồng. Ông Trầm Trọng Ngân – con trai đại gia Trầm Bê cũng có tài sản trên 994 tỷ đồng, nhờ cổ phần sở hữu tại Sacombank, Nguyễn Thái Nga – con gái Thứ trưởng Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cũng sở hữu tài sản cổ phiếu 213 tỷ đồng. Ngoài ra, Nguyễn Ngọc Nhất Hạnh – con gái bà Nguyễn Thị Mai Thanh có tài sản trên 100 tỷ đồng, con gái ông Đặng Thành Tâm là Đặng Nguyễn Quỳnh Anh cũng sở hữu 131 tỷ đồng…
Để góp mặt trong Top 500 năm nay, cá nhân cần có tài sản chứng khoán tối thiểu l8,65 tỷ đồng, cao hơn nhiều mức 15,4 tỷ đồng năm ngoái. Người xếp ở vị trí thứ 500 là ông Đặng Quang Hạnh, anh trai ông Đặng Thành Tâm – Chủ tịch Kinh Bắc.
Đa phần người giàu trên sàn chứng khoán hiện nắm quyền quản trị hoặc điều hành tại doanh nghiệp niêm yết, còn lại là các cổ đông lẻ hoặc người thân của lãnh đạo công ty. Bên cạnh đó, danh sách cũng có sự góp mặt của nhiều doanh nhân có quốc tịch Hàn Quốc, Đài Loan, Australia… Chốt lại năm 2015, Việt Nam có 431 triệu phú chứng khoán (có tài sản từ một triệu USD trở lên).
Là năm thứ 10 liên tiếp công bố danh sách Người giàu trên sàn chứng khoán, VnExpress cũng nhận được sự hợp tác số liệu từ Công ty CP chứng khoán VNDIRECT trong năm thứ 6 liên tiếp, với thông tin được tập hợp từ công bố của gần 700 doanh nghiệp đang niêm yết tại 2 Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội và TP HCM.
Trên cơ sở những dữ liệu nêu trên, VnExpress đã liên hệ với bộ phận quản lý cổ đông của các doanh nghiệp qua email để xác minh, nhằm đảm bảo độ chính xác cao nhất đối với thông tin công bố. Bên cạnh đó, trong gần 12 tháng qua, thị trường chứng khoán cũng chứng kiến một số trường hợp lãnh đạo doanh nghiệp chuyển cổ phần từ sở hữu cá nhân sang cho công ty riêng quản lý. Với những trường hợp này, VnExpress đã tiến hành xác minh, đánh giá quan hệ sở hữu để các danh sách cuối cùng phản ánh đầy đủ nhất tài sản chứng khoán của các cá nhân.
VnExpress