Nằm ở số một tuyến đường ven biển Trần Phú, TP. Nha Trang, trụ sở UBND tỉnh Khánh Hòa có thể coi là khu đất vàng. Đất vàng nhưng lại không tạo ra giá trị kinh tế.
Trong khi đó, thực hiện Nghị quyết HĐND tỉnh, các cơ quan hành chính của tỉnh sẽ được chuyển về Khu hành chính mới tại Phường Phước Hải. Việc di dời và xây dựng trụ sở mới sẽ phải tốn ít nhất 7000 tỷ đồng. Nếu chỉ trông chờ vào nguồn lực của địa phương, phải mất hàng chục năm nữa, Khánh Hoà mới có đủ số vốn này.
Ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà nói: “Chúng tôi không thể làm nổi nếu chỉ nhìn vào nguồn thu của tỉnh vì mỗi năm chúng tôi chỉ thu về được vài trăm tỷ, vài chục tỷ. Tuy nhiên, số vốn đó lại phải dùng để đầu tư các dự án, hạng mục đang làm”.
Toàn bộ trụ sở làm việc của UBND tỉnh và Tỉnh uỷ sẽ được chuyển giao cho một nhà đầu tư tư nhân, đổi lại doanh nghiệp sẽ xây Trung tâm hành chính mới cho địa phương. Đó là cách mà Khánh Hòa huy động nguồn lực để xây mới Trung tâm hành chính tập trung. Một hợp đồng với tổng giá trị chuyển đổi lên tới trên 7000 tỷ đồng đã được hai bên kí kết theo phương thức BT, mở ra một hướng mới cho các địa phương trong việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp.
Đơn vị đã sẵn sàng bỏ ra trên 7000 tỷ đồng để theo đuổi dự án này là Tập đoàn FLC. Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC cho biết: “Làm gì cũng có rủi ro. Tuy nhiên, những rủi ro này đều nằm trong tầm kiểm soát của chúng tôi. Chúng tôi sẽ không thể kéo dài dự án xây dựng Trung tâm Hành chính mới của Khánh Hoà mà chúng tôi quyết tâm chỉ làm trong vòng 2 năm để quĩ đất hiện giờ của UBND tỉnh Khánh Hoà sẽ nhanh chóng được bàn giao cho chúng tôi. Như vậy, chúng tôi sẽ có đất sớm, đưa vào khai thác, kinh doanh, sớm sẽ có cơ hội thu hồi vốn về. Như vậy, rủi ro vì thế càng được giảm thiểu, kể cả năng lực về tài chính”.
Hình thức hợp tác BT giữa FLC và UBND Tỉnh Khánh Hoà được coi là một mũi tên nhưng trúng được nhiều đích. Tỉnh có ngôi nhà mới, khang trang, hiện đại. Vị trí đất cũ được đưa vào khai thác hiệu quả hơn, tỉnh cũng có thêm những công trình mới, nguồn thu mới.
Trong khi đó, doanh nghiệp cũng sẽ có được một dự án tốt để khai thác kinh doanh trên một mảnh đất có vị trí đắc địa nhất TP Nha Trang.
TS Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế nói: “Tôi nghĩ, hình thức này sắp tới cũng sẽ được đưa vào Luật đầu tư. Chỉ có điều, chúng ta minh bạch hoá các thông tin trong sự hợp tác giữa Nhà nước và tư nhân. Tôi nghĩ như thế sẽ rất tích cực và dư luận sẽ ủng hộ và đây là xu hướng rất tích cực”.
Hợp đồng hợp tác Xây dựng- Chuyển giao, hay còn gọi là đổi đất lấy hạ tầng giữa Khánh Hoà và tập đoàn FLC không phải là mô hình đầu tiên. Trước đó, Bình Dương và Becamex đã xây dựng Trung tâm hành chính tập trung tỉnh Bình Dương theo mô hình này.
Trong bối cảnh, nguồn lực ngân sách từ Nhà nước và địa phương hạn chế, kinh nghiệm của Bình Dương hay Khánh Hoà sẽ là cách làm đáng để nghiên cứu nhằm khai thác nguồn lực ngoài Nhà nước để cải thiện hạ tầng tại địa phương.