Kết quả của cuộc khảo sát tại 180 đơn vị là các hiệp hội doanh nghiệp, liên minh hợp tác xã vừa được công bố trong hội thảo Báo cáo kết quả chương trình phối hợp giám sát thuế – hải quan năm 2015 cuối tuần này.
Tại hội nghị, ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI cho biết, hải quan và thuế là hai điểm nóng nhất trong môi trường kinh doanh đã trở thành tâm điểm của công cuộc cải cách hành chính, và những kết quả đạt được mới chỉ là sự khởi đầu.
Kết quả khảo sát cho thấy thái độ, sự phục vụ của cán bộ công chức ngành thuế và hải quan vẫn khiến nhiều doanh nghiệp e ngại. Theo đó, báo cáo đánh giá tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ của cán bộ thuế chưa cao và chưa chuyên nghiệp. Các doanh nghiệp phải chi trả các khoản chi phí không chính thức lớn.
Ngành thuế – hải quan được đánh giá có nhiều tiến bộ thời gian gần đây, song còn nhiều việc phải làm. |
55% doanh nghiệp được khảo sát có tâm lý e ngại nếu không chi trả phí không chính thức trong lĩnh vực thuế, sẽ bị phân biệt đối xử. Theo đó,nkhi không chi các khoản “lót tay”, doanh nghiệp dễ bị yêu cầu bổ sung giải trình hồ sơ, bị kéo dài thời gian làm thủ tục, thậm chí bị cán bộ thuế thái độ. Tuy nhiên, khảo sát cũng cho thấy không chỉ cán bộ thuế nhũng nhiễu mà còn một số doanh nghiệp làm ăn không chân chính cố tình bắt tay với cán bộ thuế để gian lận, trốn thuế.
Doanh nghiệp cho rằng các thủ tục miễn giảm thuế, hoàn thuế và thanh tra thuế là những thủ tục gây phiền hà nhất. Trong đó, 65% cho rằng thời gian giải quyết các thủ tục thuế quá dài, 54% số doanh nghiệp bị yêu cầu bổ sung thêm các thông tin không cần thiết.
Đáng chú ý, gần một nửa số doanh nghiệp khảo sát cho rằng cán bộ thuế không hướng dẫn tận tình doanh nghiệp. Hơn 32% cán bộ không lắng nghe ý kiến, 25% hống hách, gây nhũng nhiễu và gây khó khăn phiền hà cho doanh nghiệp. Ông Vũ Tiến Lộc nhận định, chỉ có 20% cán bộ thuế trong khảo sát lắng nghe doanh nghiệp là con số quá nhỏ và trong thời gian tới phải đảo ngược tình thế tức nâng lên tỷ lệ 80%.
Tương tự như ngành thuế, với ngành hải quan, 30% cán bộ hải quan không lắng nghe và hơn 20% hách dịch, gây nhũng nhiễu, phiền hà cho doanh nghiệp. Đặc biệt, một nửa số doanh nghiệp được khảo sát tỏ ra e ngại nếu không trả chi phí không chính thức cho hải quan, sẽ bị phân biệt đối xử. Các hình thức phân biệt đối xử trong hải quan sẽ là kéo dài thời gian làm thủ tục, yêu cầu thêm thủ tục, tỏ thái độ không lịch sự khi làm việc.
Đánh giá về thái độ của các công chức, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện quản lý Trung ương (CIEM) cho biết: “Qua thực tế khảo sát, các chủ doanh nghiệp nói, họ không sợ Bộ trưởng mà sợ cán bộ trực tiếp thu thuế. Cán bộ nói doanh nghiệp sai là sai, nói doanh nghiệp đúng là đúng”.
Ông Nguyễn ĐÌnh Cung cho rằng “8 không” của các quy định tại Việt Nam đang gây khó cho doanh nghiệp. |
Vị này cho rằng, với nền kinh tế mở như Việt Nam, chỉ số cải cách trong lĩnh vực thuế và hải quan tác động tới hơn 333 tỷ USD. Một chuyên gia Hoa Kỳ của CIEM tính toán, nếu giảm một ngày thực hiện thủ tục này thì hằng năm, đất nước tiết kiệm được khoảng một tỷ USD.
Hiện có hơn 300 văn bản kiểm tra chuyên ngành. Chính điều này đã gây ra tình trạng “8 không” của các quy định pháp luật Việt Nam. Đó là không cụ thể, không rõ ràng, không nhất quán, không minh bạch, không hợp lý, không tiên lượng được, không hiệu quả và không hiệu lực. “Chính việc thực hiện kiểm tra chuyên ngành làm giảm tốc độ, gây khó khăn cho việc thông quan” – ông Cung nói.
Tuy vậy, ông Cung cũng đánh giá cao nỗ lực của Bộ Tài chính trong việc cải cách thủ tục hành chính thuế, hải quan và phấn đấu hoàn thiện môi trường kinh doanh Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng.
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, Bộ Tài chính được xếp hạng thứ 2 trong số 19 bộ, ngành về Chỉ số cải cách hành chính được Bộ Nội Vụ công bố tháng 9/2015.
Trong lĩnh vực thuế, Bộ đã thực hiện cắt giảm được khoảng 420 giờ, số giờ thực hiện thủ tục hành chính về thuế giảm từ 537 giờ xuống còn 117 giờ. Bộ Tài chính cũng đã chỉ đạo cơ quan thuế triển khai mạnh các dự án hiện đại hóa công tác thu nộp thuế, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp khi làm các thủ tục về thuế. Tính đến nay đã có 90,81% doanh nghiệp đăng ký tham gia nộp thuế điện tử.
Với việc thông qua Luật Hải quan năm 2014 và việc ban hành nhiều Thông tư, văn bản việc thông quan đối với luồng xanh giảm chỉ còn 3 giây. Bộ đã triển khai Cơ chế hải quan một cửa quốc gia tại 12 cảng biển, doanh nghiệp chỉ phải nộp 1 bộ hồ sơ duy nhất và giảm được 10-20% chi phí thực hiện thủ tục hành chính, cắt giảm 30% thời gian thực hiện thủ tục hành chính về xuất khẩu, nhập khẩu. Đồng thời đã kết nối kỹ thuật cơ chế hải quan một cửa ASEAN với một số nước trong khu vực.
Bạch Dương