Phát biểu trước các nhà tài trợ, tổ chức quốc tế tại Diễn đàn Đối tác phát triển (VDPF) sáng nay (5/12), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá năm vừa qua, kinh tế Việt Nam đã thoát khỏi tình trạng suy giảm, tăng trưởng đạt 6,5% – cao hơn mục tiêu đề ra và lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Tuy nhiên, nền kinh tế tồn tại nhiều hạn chế, khó khăn, yếu kém như phát triển chưa bền vững, năng suất lao động thấp.
“Chúng tôi nghiêm túc nhìn nhận rằng những hạn chế về quản trị của nhà nước với nền kinh tế, thể chế, cơ chế chính sách chưa đáp ứng kịp yêu cầu cho sự phát triển và hội nhập quốc tế, chưa đáp ứng được yêu cầu huy động và sử dụng nguồn lực hiệu quả”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng khẳng định cải cách thể chế sẽ mang lại nguồn lực cho phát triển. |
Bước vào giai đoạn 2016-2020, người đứng đầu Chính phủ nhận định bên cạnh những thời cơ mà hội nhập mang lại, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những khó khăn, thách thức. “Chúng tôi nhận thức được rằng con đường phát triển sắp tới có nhiều thời cơ thuận lợi nhưng cũng phải đối mặt với thách thức không nhỏ”, ông cho hay.
Việt Nam đặt mục tiêu 5 năm tới tăng trưởng từ 6,5-7%, cao hơn mức gần 6% của giai đoạn trước với các trụ cột chính là tăng trưởng kinh tế cao, bền vững hơn; cải thiện đời sống người dân, lấy con người là trung tâm; cải thiện môi trường sống và đảm bảo hòa bình, ổn định.
Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, không ngừng nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Thể chế, luật pháp, môi trường kinh doanh cũng được kiến tạo theo hướng tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tự do sáng tạo, đầu tư kinh doanh.
Giải pháp được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đưa ra cho giai đoạn tới là tập trung bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, giữ vững các cân đối lớn của nền kinh tế gắn với tái cơ cấu trên tất cả các lĩnh vực, tập trung vào tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và cải cách hệ thống tài chính. Bội chi ngân sách giảm về dưới 4% GDP theo luật ngân sách mới, quỹ bảo hiểm xã hội, nợ công đảm bảo an toàn.
Năm 2016-2020 được đánh giá là thời kỳ Việt Nam cần nhiều nguồn lực cho phát triển, đặc biệt là xây dựng kết cấu hạ tầng, Thủ tướng nhấn mạnh để có đầy đủ nguồn lực, điều kiện chính là phải thực hiện đầy đủ thế chế kinh tế thị trường, tạo sự minh bạch, bình đẳng giữa các thành phần.
“Chính phủ Việt Nam sẽ tập trung sức hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, nếu không hoàn thiện tốt thể chế thì không thể huy động đủ nguồn lực”, ông cam kết trước các nhà tài trợ quốc tế.
Hiện nay, Việt Nam đang và sắp trở thành thành viên của 14 hiệp định thương mại tự do. Chính phủ đánh giá hội nhập sẽ giúp Việt Nam có thêm cơ hội tái cơ cấu nền kinh tế, hoàn thiện môi trường kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch và dễ dự đoán hơn, trở thành điểm đến của dòng chảy đầu tư quốc tế, tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam (VDPF) là một Hội nghị cấp cao nhất để trao đổi quan điểm giữa Chính phủ Việt Nam, các đối tác phát triển, khối tư nhân, các tổ chức xã hội dân sự trong nước và quốc tế, các viện nghiên cứu trong nước, và các tác nhân phát triển khác về các thách thức chính sách mà Việt nam đang gặp phải, từ đó đưa ra các giải pháp toàn diện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân Việt Nam.
Phương Linh