Rủi ro về nợ công là một trong những vấn đề đáng chú ý được nêu ra tại buổi họp báo cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam của Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 2/12.
WB nhận định, nợ công của Việt Nam đã tăng nhanh trong vài năm gần đây (từ 51,7% lên 61,3% GDP trong vòng 5 năm). Trong đó, nợ trực tiếp của Chính phủ chiếm 48,9% GDP, do Chính phủ bảo lãnh chiếm 11,4%. Đây cũng là những con số được Bộ Tài chính báo cáo Quốc hội gần đây.
Rủi ro về nợ công của Việt Nam tiếp tục gây lo lắng. Ảnh: FT |
“Tổng nợ công đang nhanh chóng tiến tới mức trần 65% GDP. Hiện nay các nhà tài trợ đang dần rút vốn khỏi Việt Nam làm cho nguồn vốn ưu đãi bên ngoài cũng giảm theo. Vì vậy Chính Phủ sẽ phải dựa chủ yếu vào vay nợ trong nước để đáp ứng yêu cầu chi tiêu”, báo cáo nêu. Rủi ro lớn nhất với tài khóa của Việt Nam, nằm chính ở việc chuyển sang vay nợ trong nước nhiều hơn này, khi thời hạn các khoản vay bị rút ngắn, dù được lợi về tỷ giá.
Trước đó, tỷ trọng nợ trong nước so với tổng nợ công đã tăng từ 45% năm 2010 lên 53% năm 2014. Nguồn vốn dài hạn khá hạn chế do thị trường vốn nội địa chưa phát triển và có ít người tham gia, chủ yếu là các ngân hàng. Vì vậy, việc trả nợ sẽ là một gánh nặng đối với ngân sách.
Năm 2014, Chính phủ đã chi khoàng 8% tổng thu ngân sách vào việc trả lãi nên ảnh hưởng tới các khoản chi phát triển sản xuất và đầu tư. Tổng nghĩa vụ trả nợ, cả nợ gốc đã chiếm trên một phần tư tổng thu của, làm cho các rủi ro về tái cấp vốn ngày càng trở nên nghiêm trọng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2015, trả nợ gốc từ ngân sách tăng lên 12,6% do nghĩa vụ nợ công tăng. Tỷ trọng đầu tư phát triển sản xuất trong tổng chi ngân sách giảm 10% xuống 15,6% so với giai đoạn 2011-2014.
Tại họp báo, ông Phạm Minh Đức, chuyên gia từ WB cho biết từ 1/7/2017, Việt Nam phải đối mặt với việc trả nợ các khoản vay IDA (nguồn vốn vay chính thức từ WB). Theo đó, Việt Nam phải tăng tốc độ trả nợ vốn vay, con số lên hàng chục tỷ USD. Để giải quyết nợ này Việt Nam phải tăng khả năng tiếp cận thị trường vốn trong nước và quốc tế, có khung kinh tế vĩ mô nhất quán, bền vững từ đó tăng mức độ tín nhiệm lên.
Trước đó, trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, Bộ Tài chính đã đề xuất phương án phát hành trái phiếu quốc tế để tái cơ cấu danh mục nợ trong nước và bù đắp thiếu hụt nguồn vốn nước ngoài khi Việt Nam “tốt nghiệp” IDA, con số lên tới 16 tỷ USD.
Toàn cảnh nợ công của Việt Nam. Xem chi tiết |
WB nhận định nếu Việt Nam chậm thực hiện chương trình thắt chặt tài khóa thì mức độ bền vững nợ cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Áp lực tăng chi tiêu, kể cả tăng lương, sẽ gây khó khăn cho việt cắt giảm thâm hụt ngân sách. Các rủi ro về tài khóa còn trở nên trầm trọng hơn bởi trách nhiệm trả nợ liên tới liên quan đến các món nợ của doanh nghiệp và các ngân hàng thương mại nhà nước.
“Cùng với tăng trưởng tín dụng các rủi ro trong ngành ngân hàng, kể cả tăng trưởng nóng nếu không quản lý thận trọng có thể gây ra một đợt mất ổn định mới và tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam”, WB cho hay.
Về triển vọng kinh tế trung hạn, Việt Nam được đánh giá là tích cực. GDP dự báo sẽ tăng 6,5% trong cả năm 2015 và củng cố trong năm 2016 nhờ cầu trong nước tăng lên.
Ngành công nghiệp chế tạo và xây dựng được kỳ vọng sẽ phát triển mạnh mẽ. Lạm phát dự báo ở mức thấp, ít khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ trong kỳ hạn. Dòng kiều hối ổn định, cán cân thương mại thu hẹp do giảm nhập khẩu, tăng xuất khẩu. Môi trường kinh doanh của Việt Nam từng bước được cải thiện, dự kiến năm 2016 xếp số 90 trong tổng số 189 nền kinh tế.
Bên cạnh đó, tái cơ cấu kinh tế chậm chạp gây nhiều rủi ro tới viễn cảnh tăng trưởng trong dài hạn. WB cảnh báo phía Việt Nam cần phải tiếp tục quản lý vĩ mô tốt nhằm bảo vệ nền kinh tế an toàn trước các cú sốc có thể xảy ra. Thắt chặt tài khóa, chính sách tỷ giá linh hoạt hơn và tăng cường dự trữ ngoại tệ sẽ giúp khắc phục những yếu kém.
Theo The Economist, đến ngày 11/10, nợ công của Việt Nam ước tính ở mức 92,6 tỷ USD, tăng khoảng 6,4 tỷ USD trong vòng 3 tháng qua và 9,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính trung bình, mỗi người dân Việt đang gánh 1.016 USD nợ. Cách đây 10 năm, nợ công Việt Nam là 22,3 tỷ USD, bình quân 268 USD mỗi người. Như vậy, trong một thập kỷ, tổng nợ đã tăng hơn gấp 4. |
Bạch Dương