Là kế toán trưởng mới của một công ty nhỏ chuyên về may mặc tại Hải Dương, mong muốn chuyển đổi phương thức nộp thuế mới, cập nhật hạ tầng công nghệ hiện đại, thuận tiện cho công việc sổ sách, anh Nguyễn Linh Hưng đề xuất lãnh đạo cho phép nộp thuế qua mạng từ tháng 11. Dù trước đó đã được cơ quan thuế tập huấn, hướng dẫn nhưng thực tế triển khai vẫn khiến anh gặp một số trường hợp oái oăm.
Anh cho biết thông thường khi tiền chuyển từ ngân hàng đến kho bạc sẽ mất một khoảng thời gian nhất định, nhưng kết quả thông báo xác nhận giao dịch thành công trả về cho doanh nghiệp lần gần nhất mất đến một ngày.
“Tôi chuyển tiền từ buổi sáng, chờ đợi suốt buổi đều không nhận được thông báo. Liên hệ với các bên họ nói phải đợi để tìm hiểu. Cả ngày đó, tôi không thể tập trung làm việc được vì không biết tiền đi đâu, liệu có thất thoát hay không”, anh kể lại và thú thực khi đó nghĩ đã nghĩ đến tình huống xấu nhất. Sau sự cố, doanh nghiệp của anh cũng bắt đầu chú ý hơn đến việc thanh toán tiền thuế qua mạng.
Dù đồng tình với việc nộp thuế điện tử, song không ít doanh nghiệp vẫn lo ngại gặp một số sự cố ngoài ý muốn khi thao tác giao dịch trực tuyến. Ảnh: Thanh Lan. |
Trường hợp khác là doanh nghiệp nhỏ mới thành lập chuyên về nước uống đóng chai của ông Lê Thanh Kiên (Quốc Oai, Hà Nội). Dù đã đăng ký nộp thuế điện tử gần một năm nay. Song, vì sự cố nghẽn mạng ngay trong lần giao dịch đầu tiên, đến trước tháng này, công ty vẫn chưa thực hiện thêm lần nào.
Ông kể, trong một dịp các bộ phận liên quan của công ty cùng đi công tác đột xuất, nhưng lại được yêu cầu việc truy vấn chuyển khoản tiền thuế. Sẵn tiện điện thoại, ông chỉ đạo bộ phận kế toán thử thao tác qua hệ thống mạng 3G.
“Chỉ được một hai thao tác đầu thuận lợi, đến lệnh chuyển tiền thì bất ngờ mạng chập chờn, tắc nghẽn. Chúng tôi không thể kiểm soát được số tiền đã chuyển đi hay đang bị treo ở đâu đó”, ông nói.
Theo ông, số tiền không quá lớn nhưng việc nghẽn mạng tạm thời cũng có thể gây ra rủi ro. Nếu khi đó, cơ quan thuế không nhận được tiền thì doanh nghiệp thuộc diện nợ đọng thuế. Đó còn chưa kể đến tính bảo mật thông tin trong tài khoản của công ty không được đảm bảo. Sau khi xác minh được việc nộp thuế thất bại, ông Kiên phải cử nhân viên đem tiền mặt đến ngân hàng để nộp tránh rủi ro và đỡ mất thời gian.
Anh Hùng, ông Kiên chỉ là hai trong không ít trường hợp gặp sự cố khi thực hiện nộp thuế điện tử thời gian qua, mặc dù đa số những giao dịch còn lại đều được đánh giá là thành công. Tuy chưa phải là những rủi ro gây thiệt hại, song việc giao dịch điện tử vẫn gặp một số khó khăn dễ khiến nhiều doanh nghiệp băn khoăn với dịch vụ mới.
Theo đề xuất của Bộ Tài chính, từ 1/12, các ngân hàng chỉ cho phép doanh nghiệp nộp thuế qua hình thức điện tử thay vì nộp tại quầy như trước đây. Đề xuất này nằm trong những nỗ lực của ngành tài chính để thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ nhằm cải cách thủ tục hành chính thuế, rút ngắn thời gian nộp thuế còn không quá 121,5 giờ một năm, 95% doanh nghiệp kê khai thuế điện tử và tối thiểu 90% doanh nghiệp nộp thuế điện tử.
Tổng cục Thuế hiện phối hợp với 43 ngân hàng triển khai thu thuế điện tử và số doanh nghiệp đăng ký nộp qua ngân hàng cũng đạt gần 91%. Tuy nhiên, số chứng từ nộp thuế và số tiền nộp ngân sách Nhà nước bằng phương thức điện tử còn thấp. Cơ quan thuế thừa nhận, nhiều nguyên nhân như tâm lý e dè, thói quen thanh toán tiền mặt, sợ phát sinh thêm nhiều khoản phí tốn kém khiến việc thu thuế điện tử chưa đạt được con số kỳ vọng.
Lãnh đạo một công ty nhập khẩu nông sản tại Ninh Bình cho biết, để nộp thuế điện tử, ở một số trường hợp, doanh nghiệp phải chuyển tiền từ tài khoản mở tại ngân hàng vào tài khoản thu ngân sách của kho bạc và phải trả phí chuyển khoản hoặc phí chuyển tiền liên ngân hàng. Điều này làm tăng chi phí của họ luôn tỷ lệ thuận với phí “ăn theo”.
“Số tiền thuế của công ty có khi lên đến 10 tỷ đồng. Với hình thức nộp điện tử phải tốn thêm khoản phí 3-4 triệu đồng, trong khi nộp bằng tiền mặt thì không mất phí. Do vậy, doanh nghiệp luôn phải cân nhắc đến các khoản phí có thể tiết kiệm được”, ông bày tỏ và cho rằng nên có chính sách hỗ trợ thống nhất cho doanh nghiệp với các ngân hàng và đơn vị trung gian.
Thừa nhận tính tích cực trong việc nộp thuế điện tử, song Giám đốc một công ty nhập khẩu ôtô tại TP HCM cho biết doanh nghiệp cũng gặp một số trở ngại. Theo ông, số tiền thuế nộp mỗi lần của công ty thường rất lớn (5-10 tỷ đồng), nhưng hiện giao dịch điện tử tại internet banking của các ngân hàng lại giới hạn định mức không quá 3 tỷ đồng.
“Số tiền còn lại buộc doanh nghiệp phải chuyển khoản bằng cách ủy nhiệm chi trong ngày hôm sau. Vừa mất thời gian, thậm chí doanh nghiệp mất cả cơ hội kinh doanh vì chậm nộp thuế một ngày có thể xe không được thông quan để đưa về giao đúng lịch hẹn cho khách hàng”, ông than phiền.
Một số doanh nghiệp khác thì cho rằng việc sử dụng chữ ký số buộc doanh nghiệp phải chi thêm một khoản tiền vài triệu đồng mỗi năm, trong khi phần mềm hay bị lỗi gây khó khăn trong kê khai, thậm chí bị lợi dụng… Ngoài ra, hành lang pháp lý mang tính bắt buộc của việc thực hiện nộp thuế điện tử còn yếu cũng gây khó khăn cho việc triển khai.
Quy trình nộp thuế điện tử của doanh nghiệp |
Bắt đầu triển khai thu thuế điện tử từ tháng 8/2014, đến nay TP HCM đã có 98% doanh nghiệp đăng ký. Trao đổi với VnExpress, bà Trần Thị Lệ Nga – Phó cục trưởng Cục thuế Thành phố cho biết số chứng từ và số tiền nộp thuế trên địa bàn đang cùng chung với tỷ lệ cả nước là khoảng 50%.
Theo bà Nga, sở dĩ có những sự chênh lệch về tỷ lệ này là do một số doanh nghiệp hiện chưa phát sinh những khoản nộp thuế hàng tháng như: thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp, bởi thuế giá trị gia tăng thì còn được khấu trừ, còn thuế thu nhập doanh nghiệp đang chờ ưu đãi miễn giảm.
“Hơn nữa, hiện nay một số doanh nghiệp vẫn còn thói quen sử dụng tiền mặt, nên dù thấy rõ lợi ích của việc nộp thuế điện tử giúp giảm chi phí các khoản giấy tờ, tiết kiệm thời gian… nhưng họ vẫn còn trong tâm thế quan sát”, bà nói.
Một nguyên nhân khác, theo bà Nga là hiện nay trên địa bàn thành phố có một số lượng lớn doanh nghiệp nước ngoài hoạt động, nhưng thời gian đầu triển khai thì thuế mới chỉ kết nối với một số ngân hàng thương mại trong nước, còn các doanh nghiệp này thì lại mở tài khoản của ngân hàng nước ngoài nên họ chưa áp dụng nộp thuế điện tử.
“Giai đoạn đầu thí điểm mới có 5 ngân hàng kết nối, còn hiện nay đã có vài chục ngân hàng tham gia. Trong thời gian tới, Cục Thuế sẽ tiếp tục mở rộng việc kết nối này để tạo điều kiện dễ dàng cho các doanh nghiệp nộp thuế điện tử”, bà Nga cho biết.
Lãnh đạo Cục Thuế TP HCM cho biết thêm, để đáp ứng nhu cầu nộp thuế điện tử cũng như đẩy nhanh tỷ lệ doanh nghiệp thực tế nộp thuế điện tử thì Cục Thuế đã triển khai nhiều giải pháp. Trong tháng 11, Cục mở một loạt lớp tập huấn hướng dẫn cho doanh nghiệp chưa đăng ký hoặc chưa từng tham gia nộp thuế điện tử. Bên cạnh đó, còn có các bộ phận từ văn phòng cục tới các chi cục thuế quận huyện chuyên giải đáp các vướng mắc cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện nộp thuế điện tử.
Tại Hà Nội, Cục Thuế thành phố cho biết, đến cuối tháng 10 đã có 104.922 doanh nghiệp khai thuế qua mạng, đạt tỷ lệ 98,3%. Tuy nhiên, con số thực hiện nộp thuế điện tử cũng không tương đương với con số doanh nghiệp đăng ký kê khai hồ sơ.
Về lo ngại tình trạng hạ tầng phần mềm gặp trục trặc trong quá trình nộp thuế, cơ quan thuế cho biết do không phải tất cả các doanh nghiệp cùng nộp thuế một lúc nên khó xảy ra tình trạng nghẽn mạng. Để giao dịch thuận lợi nhất, tránh sự cố ngoài ý muốn, ngành thuế yêu cầu các doanh nghiệp nên thực hiện nghĩa vụ sớm để được phục vụ một cách nhanh nhất.
Ngày 16/12/2015 tại Hà Nội, Báo điện tử VnExpress và Ngân hàng Nhà nước đồng tổ chức Diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam 2015 (VEPF 2015), với sự tham gia của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Ngân hàng Thế giới và 20 diễn giả là các nhà lãnh đạo, chuyên gia đầu ngành đến từ lĩnh vực ngân hàng, tài chính, bán lẻ, thương mại điện tử và công nghệ thông tin. Với hai chủ đề chính: Thanh toán điện tử hỗ trợ dịch vụ công & doanh nghiệp và Thanh toán điện tử trước xu hướng tiêu dùng mới, VEPF 2015 sẽ là dịp các bên liên quan thảo luận, tìm kiếm giải pháp phối hợp hành động nhằm thúc đẩy thanh toán điện tử phát triển, hướng tới mọi đối tượng trong xã hội có thể tiếp cận dễ dàng các dịch vụ tài chính. Độc giả có thể truy cập địa chỉ http://vepf.vnexpress.net để cập nhật thông tin về Diễn đàn VEPF và đăng ký tham dự. Đối tác phối hợp thực hiện Diễn đàn là Công ty Chuyển mạch Tài chính Quốc gia (Banknetvn) và các đơn vị tài trợ. |
Thành Tâm – Lệ Chi
Video: Đức Huy