Trong nhiều nội dung của Nghị định 118 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư vừa được Chính phủ ban hành, đáng chú ý là các dự án khởi nghiệp công nghệ cao thuộc đối tượng mở rộng đầu tư.
Theo đó, các lĩnh vực được ưu đãi vốn gồm: Ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao, đầu tư mạo hiểm cho phát triển công nghệ cao, ứng dụng, nghiên cứu và phát triển công nghệ cao theo quy định của pháp luật về công nghệ cao và sản xuất sản phẩm công nghệ sinh học. Ngoài ra, các ngành nghề như: sản xuất sản phẩm phần mềm, nội dung thông tin số, dịch vụ phần mềm, sản xuất năng lượng tái tạo, năng lượng sạch cũng được nhà nước hỗ trợ đầu tư.
Trước đó, hồi tháng 8, tại buổi gặp mặt với cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam thừa nhận môi trường đầu tư, cơ chế chính sách chưa thực sự rõ ràng khiến không ít start-up phải ra nước ngoài đăng ký kinh doanh. Dù không thể nhanh chóng thay đổi được bất cập, song Phó thủ tướng khẳng định sẽ bàn bạc với các bộ, ban ngành liên quan tháo gỡ dần dần để tạo ra hệ sinh thái khởi nghiệp đúng nghĩa cho các doanh nghiệp trẻ.
Mới đây, tại phiên chất vấn của các đại biểu Quốc hội hôm 16/11, một số nội dung liên quan đến quỹ đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam dành cho các dự án khởi nghiệp cũng được gửi đến Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ – Nguyễn Quân.
Theo ông Quân, Việt Nam chưa có văn bản pháp luật quy định về một hệ sinh thái khởi nghiệp – điều cần thiết cho một quốc gia khởi nghiệp, cũng là hành lang để các quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động. Do đó, Bộ trưởng bày tỏ mong muốn Quốc hội ủng hộ chủ trương để Bộ sớm ban hành các quy định pháp luật cao nhất về quỹ đầu tư mạo hiểm. Bởi, nếu không có các quỹ tham gia hệ sinh thái, chắc chắn các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam còn tiếp tục khó khăn.
Thành Tâm