Giới siêu giàu Trung Quốc học làm sang

Ông trùm bất động sản Fan Jianchuan vừa quyết định rút lui khỏi hầu hết các công ty của mình và xây dựng các bảo tàng với quy mô hoành tráng không khác gì những dự án khi còn kinh doanh. Nhờ một thập kỷ lướt theo đà tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, ông đã có tên trong danh sách 500 người giàu nhất nước. 10 năm tới, ông dự định dành hàng triệu USD xây hơn 20 bảo tàng tại huyện An Nhân (Hồ Nam, Trung Quốc), với hy vọng chúng sẽ lưu giữ tên tuổi của ông và một phần lịch sử Trung Quốc.

“Con người ta có 2 lần chết. Lần đầu tiên là chết về thể xác. Lần thứ hai là chết trong tâm trí mọi người. Bảo tàng của tôi sẽ vẫn ở đó kể cả khi tôi ra đi. Người ta nhắc đến chúng cũng là nhắc đến tôi. Bằng cách đó, tôi sẽ bất tử”, Fan cho biết trên SCMP.

Fan là một doanh nhân bất động sản hàng đầu và dành nhiều năm đầu tư cho phúc lợi cộng đồng. Nhưng ông chưa bao giờ trèo được lên đỉnh cao của giới thượng lưu và trở thành một tỷ phú. Đây là nhóm người mà sự giàu có vượt xa khỏi biên giới Trung Quốc.

gioi-sieu-giau-trung-quoc-hoc-lam-sang

Fan Jianchuan trong lễ khai trương bảo tàng ở Tứ Xuyên. Ảnh: China Photos

Sức mua của họ được thể hiện ở tuần lễ thời trang tuần trước tại New York, bằng việc mua bức Reclining Nude của danh họa Amedeo Modigliani với giá 170 triệu USD. Người mua là Liu Yiqian, ông trùm đầu tư vốn xuất thân là tài xế taxi. Ông này từng đăng tải bức ảnh mình đang uống nước bằng chiếc chén sứ của vua Minh có giá 36 triệu USD lên Instagram. “Trung Quốc là nơi có nhiều triệu phú và tỷ phú tự thân hơn bất cứ nơi đâu”, Rupert Hoogewerf – chủ biên Hurun Report cho biết.

Sau nhiều năm thiếu thốn, những doanh nhân đời đầu của Trung Quốc bắt đầu biết hưởng thụ và không quên khoe mẽ sự giàu có của mình. Một tài phiệt xây hẳn cho mình tòa biệt thự mô phỏng Nhà Trắng. Gần đây, quý tử của một tỷ phú còn đăng tải hình ảnh chó cưng của mình đeo hai chiếc đồng hồ vàng ở chân trước.

Nhưng khi đã quen với sự giàu có rồi, họ bắt đầu suy nghĩ cho thế hệ sau và khao khát một cuộc sống ý nghĩa hơn. Đó cũng là khi họ chuyển sang làm từ thiên, từ xây bảo tàng đến thực hiện các dự án giáo dục.

“Họ có quá nhiều nhà và xe đến nỗi ở chẳng hết rồi”, Carrie Waley – CEO hãng tư vấn cho người giàu Mandarin Consultant cho biết, “Tiền chỉ khiến người ta thỏa mãn trong một khoảng thời gian ngắn… Sau khi đã có nhiều tiền, bạn còn mong muốn gì nữa? Địa vị hay danh tiếng?”.

Cuộc chạy đua nhằm có được danh tiếng đã khiến lòng bác ái ở Trung Quốc trở thành một vấn đề rất công khai, Rất ít người làm từ thiện giấu tên hay dưới danh nghĩa người khác như huyền thoại đầu tư Mỹ – Warren Buffett.

Tuy nhiên, những năm gần đây, doanh nhân Trung Quốc đã bắt đầu bớt khoa trương và để ý hơn tới việc tiền từ thiện của mình sẽ đi về đâu, sau khi bị Chính phủ sờ gáy vì nghi ngờ có dính líu tới tham nhũng.

Trên thực tế, người dân rất bức xúc trước tình trạng quan chức sử dụng quyền lực nhằm trục lợi, trong khi những triệu phú tự thân thì rất được kính trọng. “Dân đen mà giàu thì chả ai quan tâm. Người ta chỉ để ý tới túi tiền của quan chức thôi”, Giáo sư Dorothy Solinger tại Đại học California cho biết.

Thế nhưng, ở Trung Quốc, nếu không có chút ít quan hệ với chính quyền thì khó mà phất lên được. Mối quan hệ đó thường chẳng phải vì thiện chí gì. Ranh giới giữa hai nhóm người này thường cũng không rõ ràng.

Dù vậy, những người như tỷ phú Wang Jianlin và Liu Yiqian vẫn là anh hùng của “giấc mơ Trung Hoa” đối với hàng trăm triệu người. Câu chuyện vươn lên làm giàu từ nghèo khó của họ đã trở thành niềm cảm hứng cho rất nhiều người.

“Tinh thần doanh nhân ở Trung Quốc hiện giờ rất mạnh mẽ. Ai cũng có ý tưởng muốn thực hiện để trở thành hình mẫu như giới siêu giàu”, Hoogewerf kết luận.

Hà Tường

0913.756.339