Tỷ phú Nhật lấy samurai làm động lực kinh doanh

Giám đốc điều hành của SoftBank Group Corp đã tới Kochi, thủ phủ của đảo Shikoku, cũng là nơi sinh của Sakamoto Ryoma, một samurai nổi tiếng vào thế kỷ 19, người có công hiện đại hóa chính phủ và nền kinh tế. Khoảng 1.000 người đã tập trung để ăn mừng sự kiện này.

“Ryoma là nguồn cảm hứng cho cuộc đời tôi. Ngày hôm nay, đứng cạnh bức tượng ông, tôi thấy mình thật nhỏ bé. Điều đó nhắc nhở chúng ta phải luôn phấn đấu vươn lên,” người giàu thứ hai Nhật Bản phát biểu tại Bảo tàng Tưởng niệm Sakamoto Ryoma.

ty-phu-nhat-lay-samurai-lam-dong-luc-kinh-doanh

Tỷ phủ Masayoshi Son. Ảnh: Bloomberg

Son cho biết cuộc đời ông đã hoàn toàn thay đổi khi ông đọc cuốn sách về Ryoma năm 15 tuổi. Chính chủ nghĩa quốc tế của Ryoma đã truyền cảm hứng để ông rời trường trung học và chuyển tới Mỹ. Ông có đọc lại cuốn sách vài lần sau đó, khi SoftBank được thành lập, trong ba năm đấu tranh với căn bệnh hiểm nghèo và khi ông mang nợ hàng tỷ USD.

Son và người hùng của mình có vài điểm chung. Cả hai đều từng là những người có khởi đầu khiêm tốn nhưng mang tham vọng lớn lao.

Ryoma sinh năm 1835, trong một gia đình samurai thuộc tầng lớp thấp. Ông đóng vai trò chủ chốt trong cuộc cách mạng lật đổ Mạc phủ Tokugawa, kết thúc 300 năm cô lập của Nhật Bản. Ông cũng là người thành lập công ty thương mại đầu tiên của cả nước và xây dựng đội hải quân tinh nhuệ Nhật Bản. Ông bị ám sát năm 33 tuổi bởi một thích khách vô danh trung thành với Mạc chúa.

Một thế kỷ sau, Son được sinh ra trong một gia đình nhập cư Hàn Quốc. Ông kiếm 1 triệu USD đầu tiên từ công cụ dịch thuật đa ngôn ngữ do chính mình phát minh khi còn học ở Đại học California và dùng số tiền đó nhập khẩu máy chơi game Space Invader, trước khi trở về Nhật thành lập SoftBank.

Son, hiện 58 tuổi, đã biến công ty của mình từ một nhà phân phối phần mềm máy tính thành một trong những nhà mạng lớn nhất Nhật Bản, nắm giữ cổ phẩn khắp nơi, từ Sprint Corp của Mỹ và Alibaba của Trung Quốc cho tới hàng loạt startup tại Ấn Độ. Logo của SoftBank, với hai đường kẻ ngang màu bạc, được mô phỏng theo lá cờ của Ryoma.

Người hâm mộ Ryoma còn có Nguyên thủ tướng Naoto Kan và vô vàn doanh nhân khác. Hình ảnh của ông có mặt ở khắp nơi, từ móc chìa khóa, bia cho tới sách kinh doanh và phim truyền hình.

Sức hút của Ryoma có lẽ do ông vừa là một trí thức vừa là một kiếm sĩ tài danh. Trong một bức ảnh đen trắng, Ryoma đang mặc trang phục kimono truyền thống với thanh kiếm ngắn dắt trên đai lưng. Ông cầm trên tay một khẩu súng lục, được cho là từng giúp ông thoát khỏi một cuộc hành thích.

Dù vô cùng nổi tiếng trong văn hóa Nhật – thậm chí có hẳn một thiên thạch mang tên mình – Ryoma lại khá xa lạ với người nước ngoài, vốn thường chỉ nhận thức được hình mẫu chung của các samurai.

“Phải là một nhân vật như Ryoma mới có thể trở thành bạn tâm giao với những người mang tham vọng lớn. Các nhà lãnh đạo thường phải đối mặt với những giây phút khó đưa ra quyết định. Họ tìm đến đây và tự hỏi Ryoma sẽ làm gì trong trường hợp này?”, theo Yukie Maeda, nhân viên phụ trách bảo tàng.

Trong một phần buổi lễ ở Kochi, Son nắm lấy bàn tay của tượng Ryoma, đứng trong hàng người dài 500m kéo dài tới bờ biển, nơi một bức tượng Ryoma khác đang hướng mặt ra Thái Bình Dương.

“Trong văn phòng của tôi có một bức chân dung Ryoma kích cỡ như người thật. Mỗi sáng nó đều nhắc tôi phải đưa ra những quyết định sáng suốt như Ryoma,” Son chia sẻ tại buổi lễ.

Hà Tường

0913.756.339