Những con số mới nhất về tiến độ thực hiện gói 30.000 đồng hỗ trợ nhà ở xã hội và nhà thương mại giá rẻ, diện tích từ 70m2 trở xuống vừa được Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng trả lời chất vấn Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM – Huỳnh Thành Lập bằng văn bản.
Theo đó, tính đến hết tháng 10/2015 tổng số tiền các ngân hàng đã cam kết cho vay đạt hơn 21.500 tỷ đồng (72%), trong khi số giải ngân thực tế đạt xấp xỉ 13.500 tỷ đồng (45%). Trong số này, gần 10.100 tỷ đồng được chuyển cho bên mua là các cá nhân, hộ gia đình. Số còn lại được dành cho doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội vay.
Bộ Xây dựng cho rằng nguồn cung ít là một lý do khiến gói 30.00 tỷ giải ngân chậm. Ảnh: D.A |
Bộ Xây dựng thừa nhận kết quả giải ngân “chưa như mong muốn” do các nguyên nhân như: nguồn cung nhà xã hội vẫn ít so với nhu cầu, trong khi nhà ở thương mại diện tích nhỏ cũng chưa nhiều dù chính sách đã cho phép doanh nghiệp cơ cấu lại căn hộ.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cho rằng do đây là gói hỗ trợ không lấy trực tiếp từ ngân sách mà thực hiện theo nguyên tắc tái cấp vốn qua Ngân hàng nhà nước và các ngân hàng thương mại nên vướng nhiều điều kiện cho vay chặt chẽ của các tổ chức tín dụng. “Thực tế số lượng người vay lớn nhưng có tỷ lệ đáng kể chưa đáp ứng điều kiện của ngân hàng, như không chứng minh được khả năng trả nợ…”, Bộ trưởng dẫn chứng.
Dẫu vậy, cơ quan này vẫn kỳ vọng với các cam kết cho vay đã ký thì đến cuối quý I/2016, các ngân hàng thương mại sẽ cho vay đạt mốc 30.000 tỷ đồng.
Để giải ngân thuận lợi hơn, Bộ Xây dựng cho biết sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế liên quan lĩnh vực đầu tư, quản lý nhà ở và kinh doanh bất động sản cũng như đôn đốc các địa phương rà soát, cơ cấu lại dự án để tăng nguồn cung. Cơ quan quản lý đồng thời hứa tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tái cơ cấu kinh doanh nhằm hạ giá bán, công khai minh bạch để tạo niềm tin với khách hàng.
Chí Hiếu