Anh lo ‘chảy máu’ ngân hàng

Hệ thống quy định, thuế và hoạt động kinh tế trì trệ tại châu Âu khiến các nhà băng Anh phải cắt giảm 8% nhân lực từ năm 2010. Hai phần ba thành viên BBA cũng đã chuyển việc kinh doanh sang nước khác. Vì vậy, tổ chức này đề xuất nới lỏng quy định ngân hàng, giảm thuế và tạo điều kiện về visa để các nhà băng dễ tuyển dụng nhân viên nước ngoài.

“Khả năng cạnh tranh trong vai trò trung tâm ngân hàng của Anh đang suy giảm. Rất nhiều nhà băng quốc tế đang chuyển việc làm ra nước ngoài hoặc quyết định không đầu tư vào Anh nữa”, Giám đốc BBA – Anthony Browne cho biết trong báo cáo của cơ quan này.

anh-lo-chay-mau-ngan-hang

Nhiều nhà băng đang cân nhắc rời Anh do môi trường kinh doanh hà khắc. Ảnh: Bloomberg

Bloomberg cho biết từ tháng 6, Bộ trưởng Tài chính Anh – George Osborne đã vạch ra nhiều biện pháp cải thiện, cam kết hạn chế các khoản phạt khổng lồ và chỉnh sửa điều luật. Năm nay, Chính phủ Anh cũng nhượng bộ nhiều vấn đề của các ngân hàng, trong bối cảnh HSBC tuyên bố sẽ rời London. Dịch vụ tài chính hiện là ngành xuất khẩu lớn nhất của Anh, với 62 tỷ bảng chuyển ra nước ngoài mỗi năm, tạo việc làm cho hơn 405.000 người.

Ông Osborne đã giảm thuế cho các nhà băng Anh, buộc người đứng đầu cơ quan quản lý tài chính Anh – Martin Wheatley từ chức, đồng thời bỏ kế hoạch coi các lãnh đạo ngân hàng cấp cao là phạm tội cho đến khi chứng minh được họ không trong sạch. Đây là ý tưởng được các nhà băng cho là sẽ khiến họ khó tuyển dụng nhân sự cấp cao nước ngoài.

Dù vậy, lĩnh vực tài chính tại London vẫn đang co lại do bị cạnh tranh gay gắt. Anh đã mất 35.000 việc làm trong ngành ngân hàng, tài sản các nhà băng cũng giảm 12% trong 4 năm qua. Trong khi đó, tài sản tại Mỹ lại tăng với tốc độ tương tự. Còn tốc độ này tại Singapore và Hong Kong lần lượt là 24% và 34%.

Các nhà băng châu Âu nói chung cũng đang mất thị phần vào tay Mỹ trong mảng ngân hàng bán buôn – chuyên cung cấp dịch vụ cho các công ty và tổ chức tài chính lớn. Giai đoạn 2010-2014, thị phần ngân hàng bán buôn của 5 nhà băng hàng đầu châu Âu đã giảm từ 26% về 24%. Trong khi đó, với 5 nhà băng hàng đầu Mỹ, con số này lại tăng từ 44% lên 48%, BBA cho biết. London cũng đang mất thị phần trong lĩnh vực cho vay và IPO.

Sự xoa dịu của ông Osborne với ngành này cũng đang gặp trở ngại vì điều luật yêu cầu tách riêng mảng bán lẻ, để không bị ảnh hưởng vì sự thua lỗ của mảng ngân hàng đầu tư. “Sự thiếu chắc chắn nảy sinh từ hệ thống thuế thay đổi quá nhanh và khả năng Anh rời EU đã khiến các ngân hàng khó lập kế hoạch và đầu tư”, báo cáo nhận xét.

BBA đã đưa ra rất nhiều đề xuất, trong đó có yêu cầu Bộ Tài chính giảm thuế với tốc độ nhanh hơn. Với kế hoạch hiện tại, thuế sẽ được giảm theo lộ trình 6 năm. BBA cũng muốn mức thuế 8% áp lên các ngân hàng có lợi nhuận trên 25 triệu bảng mỗi năm sẽ được bãi bỏ.

Hà Thu

0913.756.339