Ông đã dùng triết lý này để để thành lập đại gia điện tử Nhật Bản – Kyocera 5 thập kỷ trước, tạo ra nhà mạng KDDI trị giá 64 tỷ USD và giải cứu Japan Airlines từ đợt phá sản năm 2010. Inamori hiện có khối tài sản 1,1 tỷ USD, xếp thứ 32 trong danh sách 50 người giàu nhất Nhật Bản.
Vị tỷ phú này là người theo đạo Phật và luôn tỏ ra ngờ vực về phong cách quản lý của phương Tây. Quan điểm của ông đã phản ánh phần nào vì sao không ít doanh nhân Nhật không ủng hộ ý tưởng cống hiến nhiều hơn cho cổ đông.
“Nếu anh muốn có trứng, hãy chăm sóc những con gà mái. Nếu anh bắt nạt hay giết chúng, chúng sẽ chẳng đẻ đâu”, Inamori cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg.
Ông Kazuo Inamori cho rằng cần chăm sóc nhân viên để cải thiện hoạt động của công ty. Ảnh: Bloomberg |
Quan điểm này chính là cốt lõi thành công của Inamori. KDDI và Kyocera có vốn hóa tổng cộng 82 tỷ USD. Khi Inamori được bổ nhiệm làm CEO Japan Airlines năm 2010, ông đã 77 tuổi và chưa hề có kinh nghiệm về hàng không. Nhưng chỉ một năm sau, ông đã khiến hãng bay có lợi nhuận. Và năm 2012, Japan Airlines quay lại sàn chứng khoán Tokyo.
Bí mật của Inamori là thay đổi tâm lý của nhân viên. Sau khi nhậm chức CEO, ông in một cuốn sách nhỏ, phát cho mỗi nhân viên, nói về triết lý kinh doanh của mình. Trong đó, ông cho biết công ty luôn hết mình với sự phát triển của mỗi lao động. Ông cũng giải thích công việc của họ có tầm quan trọng cỡ nào và liệt kê các quy tắc theo đạo Phật về lối sống nên có, như khiêm tốn hay làm việc đúng đắn. Nó giúp họ tự hào về hãng bay và luôn sẵn sàng làm việc chăm chỉ hơn vì thành công chung, Inamori cho biết.
Triết lý này có tác dụng một phần vì ranh giới giữa công việc và cuộc sống cá nhân của người Nhật không rạch ròi như Mỹ. Dù vậy, không phải tất cả nguyên tắc của Inamori đều xuất phát từ tâm linh. Hệ thống quản lý của ông chia nhân viên thành những đơn vị nhỏ, tự lên kế hoạch và theo dõi năng suất từng giờ. Ông cũng cắt giảm một phần ba nhân sự công ty, khoảng 16.000 người. “Lãnh đạo nên biết cách làm nhân viên hạnh phúc cả về vật chất lẫn tinh thần,” Inamori khẳng định.
Dù không được lòng các nhà đầu tư, ông cũng không cho rằng quan điểm của mình mâu thuẫn. Nếu nhân viên vui vẻ, họ sẽ làm việc hiệu quả hơn và doanh thu cũng từ đó mà tăng lên. Các doanh nghiệp nên kiếm lợi nhuận theo cách có ích cho xã hội.
Học thuyết của Inamori không theo một phong cách quản lý điển hình nào, nhưng cũng chẳng thiếu người muốn học hỏi. Hơn 4.500 doanh nhân đã tham dự hội nghị thường niên của ông tại trường Seiwajyuku tại Yokohama quý trước. Inamori tình nguyện diễn thuyết cho thính giả, bên cạnh các hoạt động từ thiện khác như gây quỹ cho Giải thưởng Tokyo – phiên bản Nhật của giải Nobel.
Hãng đầu tư Oasis Management đang kêu gọi Kyocera trả lại tiền cho nhà đầu tư bằng cách bán cổ phần ở Japan Airlines và KDDI. Inamori cho biết ông hiểu rằng các nhà đầu tư muốn thu về lợi nhuận cao nhất có thể. Việc nắm giữ cổ phần của KDDI sẽ mang lại tiền cổ tức khá và là lá chắn trong thời kỳ khó khăn. “Tại một vài thời điểm, công ty sẽ phải từ chối những đòi hỏi ích kỷ của nhà đầu tư”, ông nói.
Seth Fischer, giám đốc đầu tư tại Oasis lại cho rằng đây là cách tư duy lạc hậu và lờ đi những rủi ro mà KDDI có thể phải đối mặt. “Chúng tôi không phải là những nhà đầu tư “ích kỷ”. Tư tưởng lãnh đạo cần bảo vệ doanh nghiệp khỏi nhà đầu tư chính là điều mà chính sách Abenomics đang cố gắng thay đổi”, ông cho biết.
Dù vậy, khi nói đến việc khiến nhân viên cảm thấy hạnh phúc, Inamori không có ý là họ có thể “được đằng chân lân đằng đầu”. Theo ông, hạnh phúc là được làm việc chăm chỉ hơn bất cứ ai, cũng như tư tưởng của Phật giáo là tâm hồn sẽ được nâng tầm khi người ta tận tụy với công việc.
“Công ty thuộc về cổ đông, nhưng nằm trong đó cũng là hàng trăm hay thậm chí hàng nghìn nhân viên. Đừng quên rằng gà mái luôn cần được khỏe mạnh”, ông nói.
Hà Tường