Doanh nghiệp thấp thỏm lo lãi suất tăng

Trong vòng một tuần, nhiều ngân hàng cổ phần như Bản Việt, Đông Á… đã tăng lãi suất tiền gửi hai lần với biên độ khoảng 0,5%. “Ông lớn” như VietinBank cũng vừa nhập cuộc, nâng lãi suất huy động tiền đồng 0,2-0,5% mỗi năm, tập trung ở các kỳ hạn ngắn.

Giám đốc một công ty nhựa tại Khu công nghiệp Tân Bình, TP HCM cho biết, doanh nghiệp ông vừa vay 5 tỷ đồng làm nguồn vốn lưu động với lãi suất 9% một năm và được điều chỉnh sau ba tháng.

“Với mức lãi suất hiện tại thì công ty chấp nhận được, nhưng chúng tôi đang lo là sau vài tháng nữa, khi ngân hàng điều chỉnh mức mới thì sợ lãi suất cho vay sẽ tăng lên do đầu vào thời gian gần đây đang có dấu hiệu đi lên”, ông nói và sợ điều này sẽ tác động tiêu cực đến giá thành sản phẩm, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

doanh-nghiep-thap-thom-lo-lai-suat-tang

Doanh nghiệp lo lãi suất tăng. Ảnh: PV.

Tương tự, lãnh đạo Công ty giấy Sài Gòn cũng cho biết, trong tình hình kinh doanh cực kỳ khó khăn như hiện nay mà lãi suất cho vay tăng lên nữa thì doanh nghiệp sẽ khó chịu đựng nổi. “Một cảm giác bất an, lo lắng thật sự đang thường trực trong suy nghĩ của lãnh đạo doanh nghiệp chúng tôi”, ông nói.

Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội doanh nghiệp TP HCM cũng thông tin, mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay dao động quanh 7-9% đối với ngắn hạn và trên 10% trung dài hạn, thậm chí với doanh nghiệp nhỏ, nhiều đơn vị phải vay với mức 11-12%.

“Mức này vẫn còn cao so với khả năng chịu đựng của doanh nghiệp. Nếu thời gian tới, lãi suất cho vay nhích lên sẽ tạo áp lực lớn cho họ, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu, rộng như hiện nay”, ông nói và cho biết mong muốn của doanh nghiệp là có thể tiếp cận mức lãi suất tầm 7-8% cho trung và dài hạn thì mới đủ khả năng đầu tư máy móc thiết bị và cải tiến công nghệ.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận, trước những biến động trên thị trường tài chính thế giới và Việt Nam, các ngân hàng đang lo thanh khoản bằng cách tăng lãi suất huy động. Chính vì thế, lãi suất cho vay cũng khó có thể giảm thời gian tới.

Tuy nhiên, trái ngược với diễn biến thị trường một, lãi suất tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng (thị trường 2) kỳ hạn qua đêm đến một tuần đã giảm xuống mức rất thấp, chỉ còn 0,2-0,5% một năm và tiếp tục xu thế đi ngang hoặc giảm nhẹ. Đây là mức giá vốn thấp nhất của tiền đồng trong vòng hai năm qua trên thị trường liên ngân hàng. Các giao dịch và khối lượng giao dịch vì thế cũng giảm kỷ lục.

Trao đổi với VnExpress về vấn đề này, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM, ông Nguyễn Hoàng Minh khẳng định, thanh khoản của các ngân hàng hiện nay khá tốt. Tỷ lệ cho vay trên huy động chỉ chiếm dưới 80%. Do đó, việc lãi suất trên thị trường liên ngân hàng giảm là điều tất yếu.

Riêng với việc lãi suất huy động trên thị trường dân cư tăng thời gian gần đây, ông Minh cho rằng, đó chỉ là động thái mang tính cục bộ của một số ngân hàng muốn đẩy mạnh huy động vốn, nhằm chuẩn bị nguồn tiền dồi dào phục vụ nhu cầu vay vốn tăng cao của doanh nghiệp trong những tháng cuối năm.

“Động thái này không tác động nhiều đến lãi suất đầu ra của ngân hàng. Mặt khác, chủ trương của Ngân hàng Nhà nước là sẽ tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất ổn định và theo xu hướng giảm trong thời gian tới nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp”, ông nói.

Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, Hiệu trưởng Đại học Tài chính Marketing TP HCM cũng phân tích, lạm phát hiện nay ở mức thấp, dự kiến đến cuối năm chỉ khoảng 2%, thấp hơn mức bình quân chung của khu vực châu Á (khoảng 3%), trong khi lãi suất ở Việt Nam vẫn đang ở mức cao.

Mặt khác, hiện ngoại tệ đang đổ vào Việt Nam và tỷ giá USD/VND lại đang ổn định với chiều hướng đi xuống. Đây là cơ hội để Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm lãi suất mà không sợ ảnh hưởng của tỷ giá.

Lệ Chi

0913.756.339