Sau khi được Bộ Nông Ngiệp và Phát triển Nông thôn chính thức cho thương mại hóa sản phẩm từ 18/3, hai công ty DeKalb (Mỹ) và Syngenta Vietnam (Thụy Sĩ) đã trồng thử nghiệm xong trên 200 điểm tại các vùng trồng ngô trên toàn quốc.
Công ty DeKalb cho biết, sẽ bán giống ngô cho người nông dân từ đầu tháng 11, dự kiến hợp tác với 800.000 hộ trồng. Giá sản phẩm bán ra thị trường là 190.000 đồng một kg, cao hơn so với sản phẩm thông thường 80.000 đồng.
“Ban đầu chúng tôi sẽ hỗ trợ nông dân kỹ thuật canh tác và đặt mục tiêu trong năm 2016 cùng Syngenta giúp các hộ trồng chuyển đổi 12 – 15% diện tích ngô thường sang ngô biến đổi gen. Năm năm tới, con số chuyển đổi trên có thể đạt tới 50%”, ông Narasim Upadyayula, đại diện DeKalb nói.
Không tiết lộ số lượng hàng tung ra thị trường, tuy nhiên, DeKalb cho biết, con số này khá lớn, toàn bộ giống nhập từ Nam Phi. Vài năm tới, hãng có thể sẽ xây dựng nhà máy sản xuất ở Việt Nam.
Còn đối với Syngenta, đơn vị này cho biết giống của họ được nhập từ Phillippines và đã bán sản phẩm ra thị trường từ tháng 4. Hãng cũng đang đẩy mạnh việc giới thiệu, tập huấn và chuyển giao kỹ thuật canh tác ngô chuyển gen tới người nông dân.
Ngô biến đổi gen được dự báo sắp ồ ạt ra thị thị trường: Ảnh: Bộ Nông nghiệp. |
Theo hai hãng này, trồng ngô biến đổi gen, người nông dân sẽ không phải mất 2 – 3 triệu đồng chi phí phun thuốc trừ sâu cho mỗi ha vì chúng chống chịu được với sâu bệnh. Riêng thuốc trừ cỏ, nông dân sẽ chỉ phải dùng loại chuyên dụng riêng và phun một lần ở thời điểm 30 ngày sau gieo hạt.
Sử dụng giống của Syngenta, kết quả thu hoạch vụ đầu tiên tại một số vùng trồng ngô chính như Sơn La, Bà Rịa, Đồng Nai… cho năng suất trung bình tăng từ 10% đến 30%; lợi nhuận tăng thêm từ 5 đến 10 triệu đồng một ha so với các giống lai thông thường khác. Còn giống của hãng DeKalb, nếu trước đây các vùng trồng ngô ở Đồng bằng sông Cửu Long đạt 8 tấn một ha thì đối với giống ngô này mức năng suất đạt bình quân là 8,5 tấn.
Ông Nguyễn Hồng Lâm, nông dân ở Đồng Nai, người đã trồng thử nghiệm giống ngô biến đổi gen nhận xét, loại này cho năng suất cao hơn so với giống thông thường. Bình quân một ha ngô lãi 5 – 6 triệu đồng thì nay ông trồng ngô biến đổi gen lời 8 – 9 triệu. “Hiện tại tôi có 3ha đất nông nghiệp, thời gian tới dù không được hỗ trợ giống nhưng tôi vẫn sẽ mua giống biến đổi gen về trồng trên khoảng 50% diện tích đất của gia đình”, ông Lâm nói.
Còn theo ông Lưu Văn Trần, nông dân xã Sơn Hùng (Phú Thọ), với giống ngô mới này nông dân bớt làm cỏ và không phải phun thuốc trừ sâu, nên vụ ngô 2016 ông dễ dàng tiếp tục canh tác.
Về đầu ra của sản phẩm, nông dân cho rằng họ không hề lo ngại. “Vụ đầu tiên, chúng tôi cho thương lái biết đây là giống ngô biến đổi gen, nhưng hầu hết họ đều không hề phàn nàn mà còn khen hạt đều”, ông Lâm nói.
Riêng với công ty DeKalb, đơn vị này cũng cho biết, đang kết hợp với nhiều công ty thu mua nông sản và đơn vị chế biến thức ăn chăn nuôi để tìm đầu ra cho nông dân.
Về phía các công ty chăn nuôi, đại diện CP Việt Nam cho biết, lâu nay đa phần nguyên liệu ngô công ty nhập từ Mỹ, Brazil. Do vậy, nếu thời gian tới, Việt Nam có sản phẩm mới đạt chất lượng, công nghệ sau thu hoạch tốt, hàng đều, không bị mốc thì công ty sẵn sàng thu mua.
Về phía Công ty TNHH Thanh Bình, Giám đốc Phạm Đức Bình cho rằng, rất ủng hộ việc nông dân Việt Nam trồng ngô biến đổi gen. “Sản lượng ngô của Việt Nam còn rất thấp, 10 năm nay chúng tôi đã phải nhập ngô, đậu tương biến đổi gen từ các quốc gia khác để chế biến thức ăn chăn nuôi. Và ngay cả người dân, cả chục năm nay cũng đã sử dụng nhiều sản phẩm biến đổi gen. Do đó, đây là động thái tích cực giúp người nông dân có thêm thu nhập, đồng thời, cải tạo năng suất ngô cho Việt Nam”, ông Bình nói.
Trao đổi với VnExpress, ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam cho biết, 10 tháng đầu năm Việt Nam nhập 4 triệu tấn ngô từ Mỹ, Brazil, Argentina…, trong đó 80% là ngô biến đổi gen. Dự kiến hết năm con số này lên tới 4,5 triệu tấn.
“Hiện, diện tích trồng ngô của Việt Nam còn khá manh mún, hàng năm các doanh nghiệp cần 8 -10 triệu tấn nguyên liệu cho chế biến thức ăn chăn nuôi nhưng trong nước chỉ đáp ứng được 50%, thậm chí có năm người dân canh tác ít, số lượng này còn giảm mạnh hơn. Cho nên, việc đẩy mạnh trồng ngô biến đổi gen để tăng năng suất, giảm thiểu sâu bệnh đáng được ủng hộ”, ông Lịch nói.
Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác ông cho rằng, mô hình này tiết kiệm được chi phí cho tiền thuốc trừ sâu nhưng giá giống hiện nay lại cao hơn so với giống thông thường 80.000 đồng. Như vậy, cứ một ha ngô sử dụng 20kg giống thì người trồng sẽ phải tốn thêm 1,6 – 2 triệu đồng, đồng thời phải phụ thuộc vào giống của các công ty ngoại, vô hình trung tạo thế độc quyền cho các công ty này.
Bên cạnh đó, nếu dùng hoàn toàn sản phẩm biến đổi gen cho gia súc, gia cầm, thủy sản, côn trùng (như ong), thì hàng chỉ bán được ở một số nước chấp nhận sản phẩm biến đổi gen, còn các quốc gia khác như châu Âu, Nhật Bản sẽ không chấp nhận. Do vậy, các doanh nghiệp kinh doanh sẽ bị cạnh tranh gay gắt hơn ở các thị trường khó tính.
Cho nên, ông Lịch khuyên các doanh nghiệp chuyên xuất hàng đi các thị trường khó tính cần thận trọng. Còn phía nhà chức trách của Việt Nam cần quản lý chặt chẽ, tổ chức nghiên cứu ra những giống có sức cạnh tranh với các công ty ngoại để tránh trường hợp nông dân phải phụ thuộc vào các hãng này trong tương lai.
Thi Hà