Online-to-Offline (O2O, mô hình kinh doanh trực tuyến điều hướng khách hàng sang cửa hàng offline) đang là khu vực thương mại đặc biệt nóng trong tiêu dùng trên Internet của Trung Quốc. O2O cho phép người tiêu dùng sử dụng điện thoại thông minh để đặt trước những giao dịch offline như gọi taxi, cung cấp thực phẩm, giải trí hay kể cả việc trang trí nhà cửa. Chính phủ Trung Quốc ước tính khu vực đô thị chiếm phần lớn nền kinh tế O2O, đạt mức 48 tỷ USD trong nửa đầu năm 2015, và sẽ tăng trưởng 80% mỗi năm.
Theo Forbes, chỉ riêng trong năm nay, mảng này đã được đầu tư hàng tỷ USD. Người dẫn đầu xu hướng là Wang Xing, nhà sáng lập 36 tuổi của Meituan, trang web nhóm mua O2O được định giá 7 tỷ USD do Alibaba “chống lưng”.
Meituan đang nắm tới 80% thị phần O2O Trung Quốc. Ảnh: Jianshe |
Trong tháng 10, 2 công ty mua theo nhóm lớn nhất Trung Quốc là Meituan và Dianping đã sát nhập và kiểm soát 80% thị trường O2O nước này, theo hãng nghiên cứu Analysys International. Trong nửa đầu năm công ty đã thu về 7,4 tỷ USD từ cung cấp các chương trình và voucher, tăng 190% so với năm ngoái. Meituan thu về khoản hoa hồng 5-7%.
Hãng công nghệ Baidu tuyên bố muốn tạo thêm doanh thu từ O2O hơn là từ công cụ tìm kiếm của mình. Đơn vị cùng các đối thủ tỷ đô như Alibaba và Tencent có vô số chiến lược khác nhau nhằm thâu tóm thị trường màu mỡ này.
Wang Xing, người sáng lập Meituan cùng với một người bạn đại học là Mu Rongjun đã cho ra mắt trang nhóm mua này trong năm 2010, sau khi thất bại trong việc triển khai một mô hình khởi nghiệp trước đó.
Năm 2005, Wang và hai người bạn thành lập Xiaonei, một phiên bản Trung Quốc tương tự Facebook, nhưng đã buộc phải bán mạng xã hội này trong một thương vụ rẻ mạt (Xiaonei sau đó được đổi tên Renren và niêm yết tại Mỹ trong năm 2011). Nỗ lực tiếp theo của Wang là Fanfou, một trang blog tương tự Twitter, nhưng bị chính quyền đóng cửa vĩnh viễn sau vụ bạo loạn Tân Cương năm 2009.
Meituan sẽ cần chi thêm tiền để duy trì sự thống trị thị trường O2O, ví như đưa ra nhiều ưu đãi để giữ chân khách hàng. Việc hợp tác với đối thủ Tencent do Dianping hậu thuẫn tạo thuận lợi cho hãng này trong việc gây quỹ đầu tư.
Kim Thoa