Tại hội thảo cơ chế đặc thù với công tác đền bù, giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành ngày 30/10, Tiến sĩ Trần Du Lịch – Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM cho biết tới nay, tỉnh Đồng Nai đã xây dựng khung chính sách giải phóng mặt bằng và công bố cho người dân. “Việc thực hiện đã có cố gắng nhưng cần khẩn trương hơn nữa. Với tình hình sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay, dự án Cảng hàng không Long Thành tiến hành sớm được ngày nào, người dân được nhờ sớm ngày đó”, vị đại biểu này đề xuất.
Ông Trần Du Lịch cho rằng, đất cần giải phóng mặt bằng cho sân bay Long Thành bao gồm đất nông nhiệp của dân, đất lâm trường của Nhà nước và đất ở. Nhưng thực tế, đất của các nhà đầu cơ cũng rất lớn. Do đó, chính sách giải tỏa phải tạo khác biệt giữa đền bù người dân và giới đầu cơ.
“Lâu nay, chính sách của chúng ta lại khuyến khích đầu cơ đất nông nghiệp, đền bù theo giá tiền trao cháo múc. Có nhiều dự án phần hỗ trợ còn lớn hơn phần đền bù. Như vậy là chính sách bất hợp lý. Cần hỗ trợ tại chỗ cho người dân sinh sống, không thể hỗ trợ cho người tận TP HCM mua đất”, ông Trần Du Lịch nói.
Rừng cao su khu vực sân bay Long Thành. Ảnh: Hoàng Trường |
Trước vấn đề khó khăn về vốn giải phóng mặt bằng khoảng 30.000 tỷ đồng, chuyên gia này cho rằng, cần tách dự án giải phóng mặt bằng ra khỏi việc xây dựng sân bay để huy động vốn thực hiện trước. Hằng năm, tỉnh Đồng Nai đóng góp ngân sách trung ương và để lại tỉnh với tỷ lệ 49/51. Nay địa phương có thể xin cơ chế giữ lại nguồn ngân sách trung ương để tiến hành giải phóng mặt bằng theo từng giai đoạn.
Cũng lo ngại thiếu vốn cho giải phóng mặt bằng, Tiến sĩ Trương Văn Phước – Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia gợi ý, ngân sách không đáp ứng được dòng tiền thì phải nghĩ tới một cách huy động vốn khác. Đó là cơ chế Nhà nước và nhân dân cùng làm với hình thức phát hành trái phiếu, tín phiếu.
“5.000 hộ dân khu vực sân bay Long Thành có thể mua những trái phiếu đó. Họ được đền bù 5 tỷ đồng thì có thể mua trái phiếu 2 tỷ đồng, hằng tháng được hưởng lãi suất”, ông Trương Văn Phước gợi ý.
Ngoài ra, vị này cũng cho rằng tỉnh Đồng Nai và Bộ Giao thông Vận tải cần có đề án xây dựng khu đô thị. Từ đó, 15.000 người dân sống trong khu vực sẽ trở thành thị dân trong tương lai, là lực lượng lao động chính của sân bay Long Thành.
Nhận xét 100% hộ dân ủng hộ dự án thì quá trình giải phóng mặt bằng sẽ có nhiều thuận lợi, song ông Đào Trung Chính – Phó tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai cũng băn khoăn về tính minh bạch trong công tác triển khai. Vị này cho rằng cần xã hội hóa trong việc định giá đất, huy động thêm các công ty tư vấn định giá đất có uy tín.
Theo ông Chính, hiện nay việc khiếu nại bồi thường chủ yếu là về giá đất bồi thường. Trong khi giải quyết khiếu nại, vai trò của công ty tư vấn giá đất và người có đất bị thu hồi cần nhấn mạnh hơn để có cơ chế bồi thường khách quan. Ngoài ra, cần có sự tham gia của người trực tiếp có đất bị thu hồi từ khâu đó đạc kiểm đếm đến đến quyền lựa chọn của người dân về nơi ở mới.
Trước đó, ông Đinh Quốc Thái – Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho hay, địa phương đã tổ chức tham vấn ý kiến đại diện của 4.730 hộ dân với gần 15.000 nhân khẩu và 26 tổ chức bị ảnh hưởng bởi dự án bằng phiếu khảo sát. Kết quả 100% đồng ý với chủ trương thực hiện dự án. Tuy nhiên, người dân mong muốn khi thực hiện cần bồi thường thỏa đáng, đẩy nhanh tiến độ bởi họ đã chờ đợi hàng chục năm qua. Tỉnh Đồng Nai đang vướng về các quy định của pháp luật bởi dự án phải được phê duyệt mới được giải phóng mặt bằng và có nguồn vốn để thực hiện.
Việc xây dựng sân bay Long Thành cần thu hồi 5.000 ha đất, ảnh hưởng cuộc sống khoảng 4.730 hộ dân. Tỉnh Đồng Nai cho biết đã có quyết định thu hồi đất và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ với tổng giá trị 30.782 tỷ đồng. Tổng mức đầu tư xây dựng khu tái định cư khoảng 5.390 tỷ đồng.
Toàn cảnh siêu dự án Sân bay Long Thành |
Chi tiết |
Đoàn Loan