Người tiêu dùng Đông Nam Á chuộng fastfood nội địa

Bộ phận nghiên cứu của Nikkei (Nhật Bản) vừa công bố kết quả khảo sát các chuỗi nhà hàng – cà phê phục vụ đồ ăn uống nhanh tại 6 nước lớn ở Đông Nam Á, gồm Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Singapore, Malaysia và Philippines. Hãng này nhận xét các thương hiệu nội đang kinh doanh khá tốt so với đối thủ đến từ Mỹ.

Với 2.500 địa điểm, Trung Nguyên của Việt Nam có số lượng lớn nhất trong các chuỗi nhà hàng – cà phê Đông Nam Á. Việt Nam có rất nhiều cửa hàng bán thức uống này, do văn hóa cà phê đã ăn sâu từ thời Pháp thuộc. Trung Nguyên đang mở rộng chuỗi cửa hàng bằng cách cho phép những nơi bán hạt cà phê của họ được treo biển Trung Nguyên miễn phí. Vì vậy, số cửa hàng điều hành trực tiếp và nhượng quyền của họ chỉ chiếm phần nhỏ trong chuỗi.

Công ty này phục vụ cà phê cao cấp Việt Nam. Với giá 50.000 – 60.000 đồng một cốc, Nikkei đánh giá loại cà phê này khá đắt đỏ. Tuy nhiên, Trung Nguyên lại được người dùng ủng hộ nhờ các suất ăn đạt tiêu chuẩn nhà hàng, từ bánh sandwich đến phở truyền thống. Bên cạnh đó, thương hiệu cà phê hòa tan G7 cũng chiếm 30% thị phần trong nước, vượt các sản phẩm của Nestle (Thụy Sĩ).

nguoi-tieu-dung-dong-nam-a-chuong-fastfood-noi-dia

Thống kê các chuỗi nhà hàng – cà phê tại 6 nước Đông Nam Á. Xem chi tiết

Tại Indonesia, Kebab Turki Baba Rafi là chuỗi nhà hàng phổ biến nhất. Họ phục vụ các món ăn kiểu Trung Đông với giá gần 18.000 rupiah (1,32 USD), rẻ hơn món chính tại các cửa hàng hamburger lớn. Kebab Turki hiện có hơn 1.200 cửa hàng, phần lớn có diện tích chỉ nhỏ như các ki-ốt. Phí nhượng quyền cũng chưa bằng một nửa so với các cửa hàng tiện lợi.

Tại Thái Lan, Cafe Amazon có gần 1.300 cửa hàng. Được điều hành bởi PTT – hãng dầu mỏ quốc doanh Thái Lan, 80% cửa hàng của thương hiệu này nằm tại các trạm xăng. Thực đơn của hãng tương đối giống Starbucks, nhưng giá thấp hơn 20-30%. Còn tại Philippines, Jollibee Foods vẫn là cái tên số một với 880 cửa hàng, gần gấp đôi McDonald’s.

Mô hình nhà hàng hiện đại du nhập vào Đông Nam Á từ thập niên 80 và 90, với sự bành trướng của các chuỗi cửa hàng Mỹ, như McDonald’s và KFC. Các thương hiệu địa phương thành công không chỉ nhờ giá rẻ. Họ đã nghiên cứu hệ thống nhượng quyền, chuỗi cung ứng và các món ăn được ưa chuộng của đối thủ phương Tây, để chỉnh sửa cho phù hợp với khẩu vị trong nước.

Một ví dụ nổi bật là Jollibee. McDonald’s từng đề nghị hợp tác với hãng này, nhưng Jollibee đã từ chối và tự phát triển chuỗi cửa hàng riêng. Cafe Amazon cũng thành lập năm 2002, 4 năm sau khi Starbucks tới Thái Lan. Cả hai hãng này hiện đều rất thành công.

Khi AEC chuẩn bị thành lập, các thương hiệu này cũng sẵn sàng tăng hiện diện tại những nước láng giềng. Trung Nguyên đã mở cửa hàng tại Thái Lan và Singapore. Họ cũng xuất khẩu hạt cà phê và cà phê hòa tan sang 60 nước trên thế giới.

Kebab Turki hiện hoạt động tại cả Philippines, Malaysia và Trung Quốc. Còn Jollibee có 20% doanh thu từ các thị trường nước ngoài, như Singapore hay Việt Nam.

Trong các chuỗi thức ăn nhanh lớn tại Mỹ, KFC đứng nhất tại Malaysia và nhì tại Thái Lan. Trong khi đó, McDonald’s giữ vị trí số một tại Singapore và thứ 3 tại Philippines. Subway cũng đang tăng trưởng nhanh tại Singapore, nhờ chiến lược lành mạnh hóa thực đơn khi sử dụng nhiều rau trong các món ăn.

Với tổng dân số 600 triệu người và mức thu nhập ngày càng cải thiện, ASEAN là thị trường hấp dẫn với nhiều doanh nghiệp, trong đó có các nhà hàng và quán cà phê. Tuy nhiên, Nikkei cho rằng nếu muốn thành công, các hãng thực phẩm cần giải quyết vấn đề mấu chốt về thỏa mãn khẩu vị đa dạng trong khu vực. Thách thức khi vừa phải đáp ứng nhu cầu địa phương, vừa duy trì sự độc đáo sẽ khiến cuộc chiến giữa các hãng fastfood nội và ngoại tại đây ngày càng khốc liệt. 

Hà Thu

0913.756.339