Hãng cung cấp dịch vụ tài chính toàn cầu Ernst & Young (EY) vừa công bố kết quả khảo sát về ngân hàng điện tử, cho thấy cá nhân hóa dịch vụ này đang là hướng đi mới cho nhiều nhà băng quốc tế.
Trao đổi tại hội thảo diễn ra giữa tuần này tại Hà Nội, ông Keith Pogson – Phó tổng giám đốc Dịch vụ Tài chính ngân hàng khu vực châu Á Thái Bình Dương và EY Hong Kong còn cho rằng, các ngân hàng không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiến tới số hóa, nếu không trong tương lai họ sẽ còn lại rất ít khách hàng.
Internet Banking, Mobile Banking chỉ là những bước đầu tiên của ngân hàng số hiện đại. |
Vị này cho rằng ngân hàng có quy mô càng nhỏ, càng cần phải nghĩ tới xu hướng này. “Các ngân hàng nhỏ luôn đối mặt với yêu cầu phải tăng vốn. Để tồn tại được trên thị trường, họ cần chuyển đổi thành ngân hàng điện tử thay vì giữ nguyên mô hình truyền thống. Việc tự động hóa giúp giảm thiểu chi phí nhân lực, tiết kiệm thời gian nên tăng trưởng của ngân hàng cũng sẽ tốt hơn”, ông Keith Pogson nói.
Thực tế, tại Việt Nam, các nhà băng đã triển khai ngân hàng điện tử từ 5 năm trước đây. Đến nay, sau nhiều năm, hầu hết các đơn vị đều đã có ứng dụng như Internet Banking, Mobile Banking nhưng chưa thực sự đa dạng bởi đây vẫn được các khách hàng xem là kênh hỗ trợ để chuyển tiền, thanh toán các dịch vụ điện, nước, Internet… online thay vì tối ưu hóa dòng tiền trong tài khoản của mình. Một số nhà băng đã tích hợp một vài tính năng khác vào Internet Mobile Banking nhưng nhìn chung vẫn còn khá đơn giản.
Theo đánh giá của ông Liew Nam Soon, Phó tổng giám đốc dịch vụ tài chính ngân hàng khu vực ASEAN và EY Singapore, Internet Banking hay Mobile mới chỉ là bước khởi đầu cho một ngân hàng số. Theo ông, về sản phẩm dịch vụ, ngân hàng có thể tận dụng công nghệ số hóa để tích hợp sản phẩm của mình cùng các nhà cung cấp khác, như các quỹ tương hỗ, công ty bảo hiểm…
Vị chuyên gia của EY cũng dẫn một loạt ví dụ cho thấy các ngân hàng trên thế giới đã nỗ lực số hóa ra sao. Như DBS, họ là ngân hàng đầu tiên của châu Á có dịch vụ trực tuyến tự động mở tài khoản cho các công ty ở Singapore. Dịch vụ này giúp giảm thiểu thời gian, thủ tục giấy tờ không cần thiêt cho các khách hàng. Còn tại Ngân hàng OCBC, họ cho phép các khách hàng tham gia vào các quỹ đầu tư, mua bảo hiểm… Hay như Ngân hàng NAB, họ đã cho vay được một tỷ USD mỗi tháng đối với nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa nhờ đầu tư mạnh cho công nghệ điện tử. Còn tại Fidor Bank AG, ngân hàng trực tuyến 100% của Đức, đã tận dụng mạng xã hội để thực hiện mọi giao dịch hàng ngày. Qua facebook, khách hàng sẽ đăng ký giao dịch. Lãi suất tiết kiệm được nhà băng quyết dịnh dựa trên số lượng like qua facebook.
Mặc dù vậy, chi phí để đầu tư cho một ngân hàng số hóa đúng nghĩa chắc chắn không phải ít, có thể lên tới vài triệu đôla trong khi phần lớn các nhà băng Việt còn phải phân bổ không ít nguồn lực để tái cơ cấu và duy trì hoạt động thường ngày.
Theo bà Dương Nguyễn – Phó tổng giám đốc phụ trách dịch vụ tài chính ngân hàng của EY Việt Nam, quy mô vốn để đủ lực đầu tư công nghệ chính là một trong những lý do cần đến cuộc cải tổ, mua bán, sáp nhập các ngân hàng mà nhà điều hành đã thực hiện vừa qua. Khi tiến hành sắp xếp lại, mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước là giảm số lượng các nhà băng, tránh để tồn tại những ngân hàng quá nhỏ. “Khi quá nhỏ, không trường vốn thì họ còn phải lo những nhiệm vụ thường nhật và khó mà đầu tư được. “Sắp tới, khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) thành hiện thực, ngân hàng Việt càng phải đẩy mạnh số hóa để có thể cạnh tranh với các tổ chức tài chính lớn trong khu vực”, bà Dương nói.
Chia sẻ những thách thức về vốn với các nhà băng nhưng ông Liew Nam Soon lại cho rằng: “Thực ra, chi phí để số hóa ngân hàng đang trở nên rẻ hơn từng tuần một, nhờ đó các ngân hàng không phải lo lắng quá. Ngược lại, thách thức lớn hơn cả là làm sao để tích hợp số hóa vào hoạt động truyền thống của chính mình một cách thành công và hiệu quả nhất”, ông nói.
Thanh Thanh Lan