Người Trung Quốc tìm cách chuyển tiền ra nước ngoài

Con số này lớn gấp đôi lượng tiền người Trung Quốc được phép chuyển ra nước ngoài mỗi năm. Các ngân hàng chính thức sẽ không nhận thực hiện việc này. Nhưng những người trung gian như ông Chen thì có thể, thông qua mạng lưới chuyển tiền và đổi tiền ngầm.

“Chẳng có việc gì là chắc chắn 100% cả. Nhưng thường thì việc càng khó, phí càng cao”, ông tiết lộ trên Wall Street Journal.

Khi thị trường chứng khoán lao dốc và kinh tế trong nước yếu đi, rất nhiều người Trung Quốc đang cố chuyển tiền ra nước ngoài. Chưa có số liệu chính thức theo dõi dòng tiền ngầm, nhưng quan chức ngân hàng trung ương (PBOC) cho rằng các ngân hàng ngầm mỗi năm xử lý tới 800 tỷ NDT (125 tỷ USD), và năm nay còn nhiều hơn.

Một dấu hiệu cho thấy hoạt động ngân hàng ngầm cao bất thường là sự sụt giảm trong dự trữ ngoại hối của Trung Quốc, cho thấy nhu cầu ngoại tệ mạnh đang rất lớn. Con số này đã giảm kỷ lục 93,9 tỷ USD hồi tháng 8 và 43 tỷ USD vào tháng 9, dù một phần mức giảm này là do PBOC bán ngoại tệ để hỗ trợ nội tệ.

nguoi-trung-quoc-tim-cach-chuyen-tien-ra-nuoc-ngoai

Một người bị bắt vì chuyển tiền lậu từ Trung Quốc sang Hong Kong. Ảnh: Reuters

Núp bóng các cửa hàng tiện lợi và quán trà, những người trung gian như ông Chen cung cấp dịch vụ cho đủ kiểu khách hàng, từ các quan chức tham nhũng đến giới trung lưu Trung Quốc muốn mua nhà nước ngoài. Tất cả họ đều tin rằng tiền chuyển ra nước ngoài sẽ an toàn hơn và mang lại lợi nhuận cao hơn. Tâm lý này càng trở nên phổ biến sau khi chứng khoán Trung Quốc lao dốc hồi quý III.

Jiang Jinjin – một nhân viên môi giới bất động sản cho biết cô đã xử lý gần 2.000 thương vụ mua nhà ở năm nay cho các gia đình Trung Quốc có con học đại học ở nước ngoài. “Tôi gần như chẳng thể ngủ được hè này. Có quá nhiều sinh viên muốn tìm nhà”, cô cho biết.

Nhiều khách hàng nhờ người thân và bạn bè vận chuyển tiền mặt qua những chuyến ra nước ngoài liên tục. Một số thì mở công ty tại Mỹ. Jiang cho biết công ty của cô phải kiểm tra cả nguồn gốc tiền dùng để mua nhà nữa.

Dòng tiền chảy khỏi quốc gia đã khiến các ngân hàng ngầm tại Trung Quốc lọt vào tầm ngắm của giới chức quản lý tài chính. Các quy định kiểm soát vốn được thắt chặt để ngăn dòng tiền ra nước ngoài, trong bối cảnh nước này khát đầu tư. Giới chức lo ngại nếu còn tiếp diễn, các nền kinh tế đang phát triển có thể lại gặp cú sốc như khủng hoảng tài chính châu Á 1997. Bên cạnh đó, quá nhiều tiền rời khỏi biên giới sẽ khiến nỗ lực kích thích kinh tế thông qua giảm lãi suất càng khó.

“Đây là dấu hiệu mất niềm tin vào triển vọng kinh tế Trung Quốc, và chắc chắn việc này sẽ khiến PBOC càng khó đạt mục tiêu cải tổ”, Julian Evans-Pritchard – nhà kinh tế học tại hãng nghiên cứu Capital Economics cho biết.

nguoi-trung-quoc-tim-cach-chuyen-tien-ra-nuoc-ngoai-1

Khu phố đi bộ Xixiang nổi tiếng với dịch vụ ngân hàng phi truyền thống. Ảnh: WSJ

Từ nhiều năm nay, hệ thống ngân hàng ngầm đã rất phát triển tại Shantou và Chaozhou – các thành phố ven biển khét tiếng với nạn buôn lậu, hàng giả, súng và ma túy. Phần lớn các hoạt động này đang chuyển dần về gần biên giới với Hong Kong và Macau (Trung Quốc) – những nơi có hệ thống tài chính cởi mở hơn. Một khi tiền từ Trung Quốc chuyển được sang Hong Kong, nó có thể đi bất kỳ nơi nào trên thế giới.

Thi thoảng, các khoản lớn được chia nhỏ để hợp pháp hóa, sau đó rời khỏi Trung Quốc qua hàng trăm tài khoản ngân hàng kiểm soát bởi những người trong hệ thống tài chính ngầm. Những tổ chức này có thể khớp một lượng tiền gửi bằng NDT trong nước với khoản tương đương bằng ngoại tệ, trả vào tài khoản của khách hàng ở nước ngoài. Mạng lưới không chính thức này cũng giúp công nhân Trung Quốc làm việc tại nước ngoài chuyển tiền về quê. Do không phải ai cũng có thể mở tài khoản ngân hàng.

Một dấu hiệu khác của việc hoạt động ngầm gia tăng là đầu tư vào bất động sản thương mại ở nước ngoài sắp tăng vượt năm ngoái (10,5 tỷ USD), theo hãng tư vấn bất động sản CBRE. Hồi tháng 8, Bộ An ninh Nội địa Trung Quốc cho biết họ đang mở chiến dịch truy quét ngân hàng ngầm.

Chiến dịch này phần nào có hiệu quả, nhất là tại khu phố đi bộ Xixiang ở Thâm Quyến. Hồi tháng 6, cảnh sát thành phố này đã bắt 31 người và phong toả hơn 1.000 tài khoản chứa 12 tỷ NDT.

Khi việc chuyển tiền trực tiếp đang bị rà soát kỹ, biện pháp khớp tiền lại được ưa chuộng. Khách hàng chỉ cần đưa tiền cho người môi giới, và một lượng tiền tương ứng sẽ xuất hiện ở Hong Kong, trừ phí khoảng 0,3%-3%. Như vậy, tiền không cần chuyển trực tiếp hay qua máy tính. Việc khớp tiền này được thực hiện trong mạng lưới, từ cả 2 bên, và được kiểm soát bởi ngân hàng ngầm.

Mạng lưới này tận dụng triệt để mối quan hệ trong gia đình và làng xóm, một nhà nghiên cứu tại PBOC cho biết. “Người ta tạo ra hàng trăm tài khoản bằng cách đến các ngôi làng để mua chứng minh thư từ những người nghèo”, ông cho biết. Trong một vụ lừa đảo tại Hong Kong, một người đàn ông tên Yang Sigai bị kết tội mở 3 tài khoản, thực hiện hơn 1.000 giao dịch với tổng giá trị lên tới 60 triệu USD.

Hệ thống ngân hàng ngầm gần ga tài hỏa Thâm Quyến giờ đã thận trọng hơn, nhưng vẫn chưa biến mất. Khi được hỏi về khả năng đưa 100.000 USD ra khỏi Trung Quốc, chủ một cửa hàng bán thuốc lá đã nói ngay là chuyển điện tử không thể được, và gợi ý chia nhỏ để nhờ người mang trực tiếp. “Chính sách năm nay thắt chặt rồi, nên rủi ro cũng cao lắm. Trừ khi anh có quen biết thôi”, người này kết luận.

Hà Thu

0913.756.339