Đầu tháng 11 tới đây, Trung tâm Xúc tiến Du lịch – Thương mại – Đầu tư Lâm Đồng (TIPC) sẽ tổ chức một đoàn doanh nhân địa phương đi tìm hiểu trị trường và có buổi tiếp xúc với các doanh nghiệp Nga qua sự hỗ trợ của cơ quan thương mại Việt Nam tại đây.
Doanh nghiệp Lâm Đồng đang hướng đến thị trường nhập khẩu nông sản Nga. Ảnh: QD. |
Theo đại diện TIPC, Nga là một thị trường hấp dẫn với dân số gần 140 triệu người, nhưng hàng hóa Việt Nam vào đây chỉ chiếm 1% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, trong khi Nga đang thiếu hụt nguồn cung từ các nước châu Âu truyền thống.
Bà Bùi Thị Kim Chi, Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu cà phê Đà Lạt cho biết, doanh nghiệp của bà đã có thời gian khá dài làm ăn với Nga, hiện doanh thu từ bán cà phê hạt và cà phê bột qua thị trường này đạt hàng triệu USD mỗi năm. Một số doanh nghiệp ngành trà, cà phê, khoai lang của Lâm Đồng cũng đã xuất khẩu sang Nga thành công, trong đó có cả một container hoa tươi xuất thử của DaLat Hasfarm mới đây.
Bà Kim Chi cho rằng, muốn thành công ở thị trường Nga, các doanh nghiệp cần tìm hiểu đối tác cẩn thận, uy tín, có tiềm lực về tài chính. Bên cạnh đó, việc nắm bắt tình hình chính trị tốt cũng quyết định sự thành công của doanh nghiệp. Điểm thuận lợi của thị trường Nga là khá dễ tính so với các thị trường châu Âu khác, người tiêu dùng ở Nga không đòi hỏi chất lượng quá cao, chỉ cần ở mức chấp nhận được và thương hiệu hàng hóa Việt Nam ở Nga cũng được đánh giá tốt, không quá lép vế so với nhiều quốc gia khác.
Thị trường nhập khẩu của Nga lâu nay chủ yếu từ các quốc gia châu Âu như Ba Lan, Pháp, Hà Lan… Nhưng do tình hình chính trị căng thẳng với khối này thời gian gần đây đã dẫn tới nguồn cung hàng hóa, đặc biệt là nông sản vào Nga bị thiếu hụt. Nhằm đảm bảo nguồn cung, Nga đang chuyển hướng sang Ấn Độ, Trung Quốc và một số nước châu Á khác.
Quốc Dũng