Hồi tháng 8, Thomas Schroeder từng dự báo đà tăng trên thị trường chứng khoán Trung Quốc không kéo dài lâu, và Shanghai Composite Index có thể xuống dưới 3.100 chỉ trong 2 tháng. Thực tế là chỉ số này đã xuống tới 2.927 điểm ngay cuối tháng đó.
Schroeder là cựu trưởng nhóm phân tích kỹ thuật tại UBS Group. Dựa trên phân tích kỹ thuật về những gì đã xảy ra trên thị trường chứng khoán Trung Quốc, ông dự báo Shanghai Composite Index sẽ tăng 29% lên 4.100 điểm trong 3 tháng tới, trước khi giảm khoảng 41% xuống 2.400 đầu năm 2016. Cuối tuần trước, chỉ số này đóng cửa tại 3,183 điểm, Bloomberg cho biết.
Chứng khoán Trung Quốc sắp bước vào đợt lao dốc mới. Ảnh: Bloomberg |
Tính chung quý III, Shanghai Composite giảm gần 30% – mạnh nhất thế giới, khi bong bóng chứng khoán vỡ vụn giữa những lo ngại về suy giảm kinh tế và Chính phủ kiềm chế hoạt động mua cổ phiếu bằng tiền đi vay. Giá dầu chạm đáy và tiền tệ các nước mới nổi hồi phục sẽ giúp chứng khoán Trung Quốc tăng vọt trong 2 tháng tới. Tuy nhiên, việc này sẽ đảo chiều sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất, Schroeder cho biết.
“Khi giá dầu bắt đầu chuyển động và các nguyên liệu khác theo chân, nhà đầu tư sẽ tự động cảm thấy lạc quan về Trung Quốc. Khi đó, thị trường giá lên sẽ xuất hiện”, ông dự báo.
Giá dầu vừa kết thúc tuần tăng mạnh nhất kể từ tháng 8, có lúc lên trên 50 USD một thùng. Chứng khoán các thị trường mới nổi cũng tăng đáng kể so với đáy hồi 29/9. Khả năng FED nâng lãi suất năm nay ngày một thấp, nhiều người dự báo có thể phải tới tháng 3 năm sau. Nhà đầu tư cũng đã rút 40 tỷ USD ra khỏi các nền kinh tế đang phát triển trong quý II, khi lo ngại FED nâng lãi suất.
“Chúng tôi vẫn chưa thấy các thị trường mới nổi xuống thấp lắm. Việc này có khả năng xảy ra năm tới, khi Mỹ bắt đầu nâng lãi suất”, Schroeder cho biết.
Sáng nay, chứng khoán Trung Quốc tiếp tục đi lên. Đến 10h30 sáng (giờ Hà Nội), chỉ số này tăng 3,1%, hướng đến phiên đóng cửa cao nhất tháng. Hang Seng China Enterprises Index – theo dõi cổ phiếu các công ty Trung Quốc niêm yết tại sàn Hong Kong cũng đã tăng 7 trên 8 phiên gần đây nhất. Chỉ số MSCI Châu Á – Thái Bình Dương cũng tăng 0,7%, sau khi tăng mạnh nhất gần 4 năm tuần trước.
Các thị trường khác trong khu vực cũng đều phát tín hiệu đi lên. Nikkei 225 (Nhật Bản) tăng 1,64%, còn Kospi (Hàn Quốc) tăng 0,4%. Tuần trước, chứng khoán thế giới được bổ sung 3.000 tỷ USD khi chỉ số MSCI All-Country World tăng 4,4%.
Hà Thu