Ngành chăn nuôi có ít nhất 10 năm chuẩn bị cho TPP

Thông tin nêu trên được đại diện Bộ Công Thương đưa ra trong cuộc họp báo nhằm thông tin việc kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), sau những ý kiến lo ngại cho lĩnh vực chăn nuôi, sau khi TPP có hiệu lực.

Theo Thứ trưởng Công Thương, với một số chủng loại nông sản mà Mỹ và một số nước khác trong TPP có thế mạnh như: thịt lợn, thịt gà… sức ép cạnh tranh sẽ rất lớn khi thuế suất về mức 0%. Một số nông sản khác cũng sẽ gặp khó khăn nhưng mức độ nhẹ hơn vì đây là những sản phẩm Việt Nam vẫn phải nhập khẩu từ trước như sản phẩm từ sữa, đậu tương, ngô và nguyên liệu sản xuất thức ăn gia súc…

nganh-chan-nuoi-co-it-nhat-10-nam-chun-bi-cho-tpp

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết ngành nông nghiệp đã có kế hoạch nâng cao sức cạnh tranh của chăn nuôi Việt Nam. Ảnh: Anh Quân

Chăn nuôi sẽ gặp khó khăn nhất, song theo lãnh đạo ngành Công Thương: “TPP là hiệp định cấp cao nhất với cam kết xoá bỏ thuế quan về 0% nhưng có lộ trình với Việt Nam. Ngành chăn nuôi có ít nhất 10 năm để chuẩn bị trước khi sức ép của cuộc chơi mới thực sự tác động”.

Để vượt qua thách thức, ông Khánh cho rằng ngành nông nghiệp phải hết sức nỗ lực, tìm mọi cách biến thách thức thành cơ hội đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu, tổ chức lại sản xuất, ứng dụng khoa học-công nghệ… để sản phẩm nông nghiệp của ta đủ sức đứng vững trên sân nhà. Với những chương trình như triển khai cánh đồng mẫu lớn, cần sớm rút kinh nghiệm để nhân rộng và phát triển hợp lý trong tương lai. Theo kết quả đàm phán, việc mở cửa thị trường trong một số lĩnh vực nông nghiệp cũng sẽ được thực hiện theo lộ trình phù hợp.

Hiện nay, nhiều tập đoàn lớn của Việt Nam đã bắt đầu quan tâm đầu tư đến nông nghiệp với các công nghệ sản xuất và quản lý tiên tiến trên thế giới. Với công nghệ và phương thức quản lý hiện đại, các sản phẩm mà các tập đoàn này làm ra hoàn toàn có khả năng cạnh tranh với sản phẩm ngoại trên thị trường nội địa.

Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng lưu ý, lộ trình cần được sử dụng một cách chủ động, hiệu quả, tránh tình trạng ỷ lại vào lộ trình dẫn đến chậm đổi mới và từ đó bị động, lúng túng khi thách thức ập đến.

Trước đó, lãnh đạo Bộ Công Thương dẫn lại kết quả nghiên cứu cho thấy về mặt kinh tế, TPP có thể giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 23,5 tỷ USD vào năm 2020 và tăng lên 33,5 tỷ USD vào năm 2025. Xuất khẩu được 68 tỷ USD vào năm 2025. “Theo đánh giá, Việt Nam là nước được hưởng lợi nhiều nhất trong 12 nước tham gia TPP. Cơ cấu hàng hoá trong các nước TPP với Việt Nam có sự bổ trợ lẫn nhau, giúp tăng cơ hội xuất nhập khẩu chủ lực của chúng ta. Các nước Nhật Bản, Canada cũng cam kết mở cửa cho nhiều mặt hàng nông nghiệp của Việt Nam”, Thứ trưởng thông tin.

Ngoài ra, ông Khánh cũng cho rằng việc tham gia TPP và nhiều hiệp định thương mại khác có tác động nhưng không quá lớn nên người nông dân không nên bi quan. “Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã có chương trình cụ thể về sự chuẩn bị của ngành nông nghiệp khi tham gia TPP, sắp tới sẽ công bố”, ông nói thêm.

Bạch Dương

0913.756.339