Các nước TPP đề phòng ‘trò chơi’ tỷ giá

Đầu tuần này, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa kết thúc quá trình đàm phán ròng rã 5 năm. Bên cạnh những nội dung được quy định trong 30 chương thỏa thuận, một số nội dung khác cũng được 12 thành viên tham gia đàm phán đưa ra nhận thức chung.

Reuters dẫn lời một nguồn tin thân cận trong đoàn đàm phán TPP cho biết, 12 nước dự kiến ký một cam kết không phá giá đồng nội tệ với mục tiêu giúp hàng hóa của nước mình có lợi thế hơn khi xuất khẩu. Như vậy, 12 nước đang trên lộ trình hướng đến những tiêu chuẩn cao hơn về chính sách tỷ giá và cam kết không sử dụng đồng nội tệ của mình để tăng khả năng cạnh tranh. Theo hãng tin, thỏa thuận này được thực hiện song song với TPP.

Blooomberg cũng dẫn thông tin cho biết Việt Nam và Malaysia – hai nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu – đã cam kết không phá giá nội tệ để tạo lợi thế cạnh tranh với các nước.

cac-nuoc-tpp-de-phong-tro-choi-ty-gia

Ngân hàng trung ương 12 nước tham gia TPP, trong đó có Việt Nam, đang cân nhắc đi đến một cam kết nhằm hạn chế sử dụng chính sách tỷ giá để hỗ trợ xuất khẩu. Ảnh: Thanh Lan.

Tuy nhiên, trao đổi với VnExpress sáng 7/10, một thành viên trực tiếp tham gia đàm phán về nội dung tiền tệ của Việt Nam khẳng định hiện chưa có một cam kết cứng nào giữa 12 nước tham gia TPP trong vấn đề này.

Thông cáo báo chí phát đi ngày 5/10 của Chính phủ Mỹ cũng không hề đề cập tới nội dung này mà chỉ nhắc đến một tuyên bố khá chung chung giữa 12 nước. “Hôm nay, chúng tôi vui mừng thông báo 12 nước tham gia TPP sẽ cam kết tăng cường hợp tác về các vấn đề kinh tế vĩ mô, trong đó có nội dung về tỷ giá. Điều này phản ánh những lợi ích chung nhằm tăng cường sự ổn định kinh tế vĩ mô của khu vực và đảm bảo cho những lợi ích mà TPP mang lại”, thông cáo nêu.

Nguồn tin của VnExpress cũng thông tin thêm, ý tưởng các nước trong TPP phải cam kết không phá giá nội tệ chỉ là một yêu cầu trong nội bộ của chính quyền Obama để mở đường cho Quốc hội của Mỹ phê chuẩn TPP. Trong đợt đàm phán tháng 8, Mỹ đã nêu ra vấn đề này để bàn thảo với 11 nước còn lại. Họ yêu cầu các nước phải có một cơ chế để chống thao túng tiền tệ giữa 12 nước. Ngân hàng trung ương của các nước vẫn đang xem xét vấn đề này”, nguồn tin này giải thích thêm.

“Thao túng tiền tệ” được vị này giải thích là việc ngân hàng trung ương các nước có thể bằng chính sách tỷ giá của mình khiến cho hàng hóa trong nước có lợi hơn khi xuất khẩu. Nếu các nước trong TPP làm như vậy sẽ gây nên sự không bình đẳng.

Như vậy, dù 12 nước chưa đi đến một cam kết cụ thể nhưng việc thỏa thuận này theo đánh giá của giới chuyên gia sẽ khiến ngân hàng trung ương các quốc gia khó mượn công cụ phá giá nội tệ để hỗ trợ xuất khẩu hơn trước đây. Nhiều năm nay, nhà điều hành của Việt Nam liên tục đứng trước sức ép điều chỉnh tỷ giá để hỗ trợ xuất khẩu từ doanh nghiệp, giới học giả.

Chia sẻ quan điểm này, một chuyên gia bình luận: “Ngay cả khi có cam kết như vậy hay không thì Việt Nam cũng không nên xem chính sách tỷ giá điều hành lên xuống nhằm hỗ trợ cho xuất khẩu. Đây là cách nhìn thiên kiến và chưa đầy đủ. Việc tỷ giá thay đổi là bình thường và nhằm thực hiện nhiều mục tiêu tổng thể của chính sách tiền tệ và nhằm ổn định kinh tế vĩ mô”.

Bản thân lãnh đạo cấp cao của Ngân hàng Nhà nước trong một lần trả lời báo chí đã từng khẳng định, chính sách điều hành tỷ giá của cơ quan này được dựa trên nhưng đánh giá nhiều khía cạnh tác động và đứng trên quan điểm tổng thể lợi ích của quốc gia, không hướng đến mục tiêu duy nhất nào.

TPP chính thức được hoàn tất vào ngày 5/10 và được xem là hiệp định thương mại thế kỷ, mang tính lịch sử, lớn nhất trong vòng 20 năm qua. TPP có sự tham gia của 12 nước gồm: Australia, Brunei Darussalam, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam. Các nước cũng kỳ vọng thỏa thuận này sẽ giúp nâng cao mức sống của người dân, giảm nghèo, khuyên khích sự minh bạch, hiệu quả điều hành cũng như cải thiện việc bảo vệ người lao động, môi trường. Hiệp định cũng được xem là bước quan trong việc tiến gần tới mục tiêu thúc đẩy thương mại tự do trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Thanh Thanh Lan

0913.756.339