Bộ trưởng Công Thương: ‘Tôi tin TPP mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, người dân’

Trở về từ Mỹ sáng nay sau khi kết thúc đàm phán hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Bộ trưởng Công Thương – Vũ Huy Hoàng đã chia sẻ với báo chí nhiều vấn đề được dư luận chờ đợi.

– Sau khi kết thúc đàm phán, điều đầu tiên ông nghĩ đến là gì?

– Đàm phán đã rất quan trọng nhưng sau khi kết thúc thì phải tổ chức thực hiện. TPP là hiệp định ở mức độ cao, đòi hỏi lớn và có nhiều nội dung mới. Cho nên việc thực thi là cả một chương trình hành động lớn mà Bộ Công Thương sẽ báo cáo Chính phủ để triển khai đồng bộ. Tôi nghĩ giai đoạn thực hiện là hết sức quan trọng để đảm bảo chắc chắn rằng chúng ta sẽ đạt được mục tiêu khi quyết định gia nhập TPP.

bo-truong-cong-thuong-toi-tin-tpp-mang-lai-loi-ich-cho-doanh-nghiep-nguoi-dan

Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng và Đại diện Thương mại Mỹ Michael Froman tại họp báo công bố kết thúc đàm phán thành công TPP ngày 5/10 ở Atlanta Mỹ. Ảnh: EFE

Ông đánh giá như thế nào về khả năng của Việt Nam tại sân chơi này?

– Với kinh nghiệp hội nhập cách đây 20 năm kể từ ngày tham gia ASEAN, rồi gần 15 năm ký hiệp định với Mỹ, 8 năm vào tổ chức Thương mại thế giới (WTO), chúng ta đã có ít nhiều kinh nghiệm.

Trước một sân chơi lớn, có nhiều lo ngại là lẽ tự nhiên nhưng trong quá trình thực hiện các cam kết trước đây, Việt Nam đã thể hiện bản lĩnh của mình. Khi nhìn lại 8 năm vào WTO, chúng ta đánh giá cái được là cơ bản. Tinh thần đó cùng với sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, tôi tin mục tiêu đặt ra với TPP sẽ thành công, mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp.

Ông từng nói chăn nuôi sẽ là ngành khó nhất khi vào TPP và người nông dân cũng đang rất lo lắng. Đoàn đàm phán đã làm gì để đảm bảo quyền lợi cho họ?

– Người nông dân quan tâm đến hiệp định là có cơ sở vì khi mở cửa, chúng ta không được hạn chế cho hàng nông sản thực phẩm các nước thành viên vào Việt Nam. Đó một mặt sẽ là cơ hội để người tiêu dùng lựa chọn hàng hóa giá phù hợp hơn, chất lượng cao hơn… chăn nuôi sẽ khó. Hiện nay hoạt động của ngành này nhỏ lẻ, năng suất thấp, sản xuất còn manh mún nên trong đàm phán, Việt Nam bao giờ cũng cố gắng kéo dài lộ trình bảo hộ.

Trước và trong đàm phán, Chính phủ cũng đã chỉ đạo người nông dân cần được quan tâm đặc biệt. Tôi đánh giá chúng ta đã thuyết phục được các đối tác dành cho Việt Nam một lộ trình đủ dài với ngành chăn nuôi. Nhưng lộ trình này cũng phải gắn với tái cơ cấu sản xuất, có mô hình mới quy mô hơn để áp dụng khoa học hiện đại, nâng cao năng suất lao động. Khi thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn sẽ có biện pháp cụ thể hơn để thu hẹp khoảng với các nước.

– Vậy còn dệt may, Bộ trưởng nghĩ sao khi ngành này được coi là thuận lợi, song giá trị gia tăng vẫn thấp?

– Dệt may là ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn, thuộc top đầu của Việt Nam. Thông qua TPP, nhiều lĩnh vực có lợi thế, nhiều thị trường đưa thuế về 0% nên dệt may sẽ có cơ hội tăng trưởng xuất khẩu rất cao, từ đó thúc đẩy sản xuất trong nước.

Nhưng đúng là khó khăn với dệt may vẫn nằm ở tỷ lệ phụ kiện, phụ phẩm tự sản xuất còn thấp, mới khoảng 50%. Còn lại nguyên liệu phải nhập ngoại nên vấn đề đặt ra là phải cố gắng nâng cao hàm lượng sản xuất trong nước, thu hút kêu gọi đầu tư để xây dựng các cơ sở sản xuất tại Việt Nam. Khi đã nâng đươc tỷ lệ nội địa thì giá trị gia tăng càng lớn hơn. Đây là kỳ vọng và cũng quyết tâm của ngành dệt may khi tham gia TPP.

 Khả năng nhập khẩu máy móc công nghệ sau khi TPP hoàn tất sẽ ra sao, thưa ông?

– Môt nội dung quan trọng của TPP là mở cửa thị trường dịch vụ và đầu tư. Đây là cơ hội thu hút doanh nghiệp lớn từ các nước TPP, nhất là các lĩnh vực có hàm lương công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn. Việt Nam đang có nhiều dự án rất cần điều này nhưng sự quan tâm của nước ngoài chưa nhiều. TPP sẽ mở ra cơ hội để ta tận dụng. Đây cũng là cơ hội bổ khuyết cho các lĩnh vực đầu tư mà Việt Nam chưa có vốn, trình độ công nghệ chưa đáp ứng được.

Tại bàn đám phán TPP, các nước đánh giá vai trò của Việt Nam như thế nào?

– Các thành viên còn lại nhận xét Việt Nam là đối tác đàm phán xây dựng, quyết tâm, chân thành và luôn giữ được nguyên tắc của mình. Trong những phút gay cấn, như vấn đề song phương về ôtô hay bảo hộ sinh dược, chúng ta luôn giữ nguyên tắc và đã có tiếng nói chung, hài hòa lợi ích giữa các nước. Bộ trưởng Nhật Bản khi bắt tay tôi có nói: “Việt Nam là một đối tác đàm phán cởi mở, chân thành, xây dựng và đóng góp nhiều vào kết quả TPP nói chung và trong các vấn đề song phương với Nhật Bản”.

Chí Hiếu

0913.756.339