Vốn điều lệ Ngân hàng Quân đội lên 16.312 tỷ đồng sau sáp nhập

Ngày 5/10, MB đã tổ chức Đại hội cổ đông bất thường năm 2015 để xin ý kiến cổ đông về phương án sáp nhập với SDFC. Hơn 84% cổ đông có mặt, nắm giữ 70% vốn điều lệ của MB đã tán thành đề án sáp nhập này.

SDFC có vốn điều lệ 686 tỷ đồng, tổng tài sản đạt 1.200 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế khá bấp bênh, năm 2010 đạt trên 80 tỷ đồng, năm 2012 giảm chỉ còn 674 triệu đồng, đến 2014 đạt trên 9 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu ở mức cao gần 80%, khoảng 470 tỷ đồng.

Ông Lưu Trung Thái, Phó chủ tịch HĐQT MB nhận định việc sáp nhập với SDFC sẽ hiện thực hoá chiến lược phát triển mảng tín dụng tiêu dùng chuyên biệt, khai thác tiềm năng lớn của thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam, đồng thời sẽ hỗ trợ các cổ đông nhà nước của SDFC có thể triển khai thoái vốn đầu tư ngoài ngành theo định hướng của Chính phủ. 

MB-1655-1444114261.jpg

Đại hội cổ đông bất thường MB sáng 5/10.

Theo phương án sáp nhập, MB sẽ phát hành thêm khoảng 31 triệu cổ phiếu với mệnh giá 10.000 đồng một cổ phần để hoán đổi lấy 68,6 triệu cổ phần của SDFC. Tỷ lệ hoán đổi là một cổ phiếu MB được 2,2 cổ phiếu SDFC. Theo đó, SDFC sẽ chuyển toàn bộ tài sản, quyền nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang MB. Đồng thời SDFC sẽ chấm dứt sự tồn tại.

Như vậy, lĩnh vực hoạt động của MB gồm ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, quản lý quỹ, bất động sản, bất động sản và tín dụng tiêu dùng/tài chính vĩ mô. Sau khi sáp nhập, vốn điều lệ của MB tăng lên 16.312 tỷ đồng. 

Kế hoạch 3 năm tới của MB cũng được công bố. Cụ thể, năm 2015 tổng tài sản dự kiến đạt 215.000 tỷ đồng, đến 2018 tăng lên 285.000 tỷ đồng. Doanh thu thuần đạt 9.000 tỷ đồng năm 2015 và được nâng lên 11.400 tỷ đồng vào 2018. Lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 3.250 tỷ đồng, tăng lên 4.350 tỷ đồng năm 2018. Dự phòng rủi ro cũng được tăng dần lên 2.350 tỷ đồng vào 2018.

Tại đại hội, Ban lãnh đạo MB cũng trình cổ đông việc thành lập Công ty Tài chính tiêu dùng MB với vốn điều lệ 500 tỷ đồng. Ông Lưu Trung Thái khẳng định, thị trường tài chính tiêu dùng đang là một ngành rất tiềm năng tại Việt nam với tốc độ tăng trưởng trung bình 20-30% một năm. Việc thành lập mới giúp MB tận dụng tiềm năng của thị trường tín dụng tiêu dùng và phát triển mảng khách hàng cá nhân; giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực đến thương hiệu và hoạt động của MB do tỷ lệ nợ xấu cho vay tiêu dùng cao hơn các hoạt động cho vay khác. MB dự kiến sau khi được thành lập, doanh thu năm đầu của Công ty Tài chính tiêu dùng đạt 203 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 40 tỷ đồng. 

Ông Thái cũng cho biết, MB đang kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho tìm đối tác nước ngoài góp vốn vào công ty tài chính cho vay tiêu dùng với tỷ lệ nắm giữ tối đa là 49% và MB được phép hỗ trợ tài chính cho công ty này trong 5 năm đầu hoạt động. Đồng thời, được miễn 100% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 3 năm đầu thành lập và miễn 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 2 năm tiếp theo.

Đối với MB, ông Thái cũng đề nghị phía Ngân hàng Nhà nước miễn 20% thuế thu nhập đoanh nghiệp trong 3 năm đầu tiên sau khi sáp nhập. 

Tại Đại hội, ông Lưu Trung Thái cho biết 9 tháng đầu năm 2015, lợi nhuận của MB dự kiến đạt 2.400 tỷ đồng, tăng trưởng tín dụng 1,3%, vốn huy động tăng 4%, đã hoàn thành 100% kế hoạch bán nợ xấu cho VAMC. 

Bạch Dương

0913.756.339