Ngay trong ngày đầu tháng 10, Toyota quyết định tăng giá bán lẻ một số mẫu xe, đặc biệt là dòng nhập khẩu nguyên chiếc thêm 20-225 triệu đồng, tùy mẫu. Động thái này được đưa ra chỉ ít ngày sau khi tháng 7 “cô hồn” kết thúc, nhằm chống đỡ với sự thay đổi của các yếu tố liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là việc điều chỉnh tỷ giá tăng thêm 1% và nới biên độ lên 3% kể từ 19/8.
Hồi tháng 5 năm nay, ông lớn này từng tăng giá xe tối đa 30 triệu, nguyên nhân cũng liên quan đến tỷ giá, thuế, chi phí sản xuất. Theo các doanh nghiệp, việc điều chỉnh tỷ giá liên tiếp trong tháng 8 đã gây sức ép lên chi phí nhập khẩu xe và linh kiện, trong đó với xe nguyên chiếc, nguyên tắc là tỷ giá tăng thêm 1%, giá nhập khẩu quy đổi sang tiền đồng cũng đội thêm 1%.
Giá xe Toyota nhập khẩu tăng tối đa thêm 4% để đối phó với tỷ giá và chi phí kinh doanh biến động. |
Tập đoàn Masan – một doanh nghiệp có nhiều khoản vay bằng đôla Mỹ cũng không tránh khỏi bị ảnh hưởng từ cú sốc này. Theo báo cáo tài chính soát xét quý II/2015, dư nợ các khoản vay bằng USD là 262 triệu USD, bù trừ với các khoản tiền và tương đương tiền, phải thu khách hàng, Masan có tổng số dư bằng USD là 243 triệu. Theo tính toán, nếu tỷ giá VND/USD tăng thêm 2% thì lợi nhuận trước thuế của tập đoàn sẽ giảm 106 tỷ đồng. Và thực tế, sau ngày 30/6/2015, tỷ giá thực trên thị trường tăng thêm 3%.
Để ứng phó với rủi ro có thể xảy ra, Masan quyết định trả trước hạn một năm khoản vay 175 triệu USD từ JP Morgan. Như vậy, ở kỳ lập báo cáo quý III, tập đoàn sẽ giảm được hơn 70% số nợ bằng ngoại tệ, từ đó hạn chế được ám ảnh từ tỷ giá.
Trao đổi với VnExpress, ông Trần Việt Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội Cao su – Nhựa TP HCM cho biết các doanh nghiệp trong ngành chịu thiệt hại hàng tỷ đồng vì tỷ giá tăng, bởi ngành nhựa đang phải nhập 80 – 90% nguyên liệu từ nước ngoài. Ông tính toán so với trước khi điều chỉnh, cứ 10 tấn hạt nhựa nhập về doanh nghiệp sẽ phải trả thêm 4,5 triệu đồng. Với một doanh nghiệp nhỏ, một tháng cần khoảng 40-50 tấn nhựa để sản xuất, doanh nghiệp lớn bình quân khoảng 500 tấn, như vậy, tăng tỷ giá có thể khiến một công ty trong ngành mất thêm hơn 200 triệu đồng mỗi tháng và gần 2,5 tỷ đồng một năm.
“Chúng tôi không thể ngờ tỷ giá lại tăng liên tục, tăng nhanh như vậy, đây là cú sốc lớn cho doanh nghiệp”, vị này bày tỏ. Theo ông, với những doanh nghiệp xuất khẩu, việc bán hàng thu về đôla Mỹ có thể phần nào bù đắp những thiệt hại này, song số này không nhiều. Hiện nay, đa số doanh nghiệp bán sản phẩm cho thị trường trong nước sẽ phải cầm cự, nội địa hóa nguyên liệu để không phải nhập từ thị trường nước ngoài hoặc xa hơn là phải tăng giá bán.
Ngành dược hiện nay cũng phải nhập khẩu 90% nguyên liệu từ nước ngoài, sản phẩm làm ra lại chủ yếu tiêu thụ trong nước nên lãnh đủ từ đợt tăng tỷ giá này. Với một đơn hàng khoảng 100.000 USD, đại diện mua hàng một công ty dược cho biết phải chịu thêm chi phí hơn 60 triệu đồng để mua ngoại tệ. “Điều này còn chưa kể có thời điểm công ty phải mua đôla Mỹ từ thị trường chợ đen với mức chênh lệch cao hơn do không mua được từ ngân hàng”, vị này thông tin.
Một báo cáo của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS) cho hay nhiều công ty niêm yết có đầu vào nhập khẩu từ nước ngoài, trừ Trung Quốc hoặc có số dư vay nợ lớn bằng USD sẽ chịu tác động tiêu cực từ đợt điều chỉnh tỷ giá, bao gồm ngành điện, vận tải biển, xi măng, dược phẩm…
Nhưng trong thế “mọi sự đã rồi”, các doanh nghiệp khuyến nghị cơ quan quản lý cần có một thông điệp cụ thể hơn cho doanh nghiệp khi có biến động, ví dụ hiện tại đang có rủi ro thì cũng nên có tín hiểu chỉ báo trước, tránh để tình trạng sáng dậy đã bị sốc.
“Công tác truyền thông đóng vai trò rất quan trọng để duy trì lòng tin của thị trường. Các thông điệp chính sách cần rõ ràng, linh hoạt để đảm bảo tính nhất quán trong thông tin và thống nhất, đồng bộ giữa thông điệp chính sách và hành động”, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia đồng quan điểm.
Phương Linh