Thế giới có thể đã quá bi quan về Trung Quốc

Phát biểu với CNBC, Leland Miller – Chủ tịch China Beige Book (CBB) nhận xét: “Thị trường chứng khoán lao dốc và động thái phá giá NDT hồi tháng 8/2015 đã làm giảm mạnh niềm tin của toàn cầu vào Trung Quốc. Dù từ lâu chúng tôi đã cảnh báo khách hàng không nên tin vào những quan điểm quá lạc quan của Chính phủ về nền kinh tế, chúng tôi vẫn cho là thị trường đã phản ứng hơi quá”. Khảo sát cũng kết luận Trung Quốc không có dấu hiệu đang sụp đổ.

Khảo sát hàng quý CBB, cũng giống như Beige Book của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), dựa trên các cuộc phỏng vấn với hơn 2.100 doanh nghiệp Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực, từ bán lẻ tới bất động sản.

Theo CBB, dù thấp hơn quý II, tăng trưởng doanh thu của khối doanh nghiệp Trung Quốc trong quý III vẫn cao hơn 3 tháng đầu năm và ổn định so với cùng kỳ năm ngoái. “Tình trạng suy yếu tập trung ở lĩnh vực công với doanh thu tăng trưởng trì trệ ở mức trung bình, trong khi lĩnh vực tư nhân chỉ ghi nhận mức giảm nhẹ”, ông Miller cho biết.

china-8-6288-1442823160.jpg

CBB cho rằng kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng chậm lại, chứ không có dấu hiệu sụp đổ. Ảnh: WSJ

Cũng theo CBB, dù sản xuất của Trung Quốc suy giảm mạnh với chỉ số PMI xuống thấp nhất 2 năm, các lĩnh vực khác vẫn đang kích thích nền kinh tế tăng trưởng. Điển hình là ngành dịch vụ khi cả doanh thu, giá cả, số lượng và chi phí vốn đều cho thấy dấu hiệu cải thiện so với quý II và năm ngoái. Giao thông vận tải cũng ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu khiêm tốn trong khi ngành khai thác mỏ đang dần phục hồi trở lại.

Ngược lại, ngành bán lẻ và bất động sản tiếp tục yếu đi so với quý II, nhưng đã phần nào ổn định và cải thiện hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

Những lo ngại xung quanh nguy cơ giảm phát ở Trung Quốc cũng đang bị thổi phồng quá mức, CBB nhận xét. Tháng 8/2015, so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ số giá sản xuất (PPI) của Trung Quốc giảm 5,9%, ghi nhận tháng giảm thứ 42 liên tiếp trong khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 2%.

“Các chỉ số đo lạm phát chính thức đang bị hiểu sai. Mọi người thường cho rằng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) phản ánh mức lương và chỉ số giá sản xuất (PPI) phản ánh giá bán hàng. Nhưng điều này không chính xác”, ông Miller khẳng định.

Ông cho biết: “Hiện nay, CPI bị chi phối bởi giá thực phẩm, chứ không phải lương và PPI bị chi phối bởi giá hàng hóa nhập khẩu, chứ không phải nguồn cung nội địa.”

Theo ông Miller, lực lượng lao động giảm sút sẽ thúc đẩy áp lực tăng lương trong dài hạn. Và giá hàng hóa sẽ không tiếp tục giảm mạnh như thời gian vừa qua nữa. “Cục Dự trữ liên bang Mỹ cũng từng nhấn mạnh Trung Quốc không thể giảm phát thực sự được”, ông nói.

Dù giới đầu tư liên tục kêu gọi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, việc hạ lãi suất dường như không có tác dụng như mong muốn, ông Miller nhận định.

“Số liệu của chúng tôi, tính đến quý III/2015, cho thấy lãi suất và lãi suất trái phiếu đã giảm đáng kể tại các ngân hàng cũng như tổ chức tài chính ngầm. Tuy nhiên, cổ phiếu của các doanh nghiệp vẫn giảm dần xuống mức thấp kỷ lục”, ông Miller cho hay. Dẫu vậy, ông cho rằng, khả năng Trung Quốc sẽ tăng cường kích thích vẫn còn là một dấu hỏi.

Kim Dung

0913.756.339