Theo HNX, phiên đấu thầu giữa tháng 9 mới đây có tổng khối lượng gọi thầu 3.000 tỷ đồng với 2 loại kỳ hạn: 5 năm (2.000 tỷ đồng) và 15 năm (1.000 tỷ đồng). Kết quả, Kho bạc Nhà nước chỉ huy động được 613 tỷ đồng trái phiếu 15 năm với lãi suất trúng thầu 7,65% một năm, bằng với lãi suất trúng thầu phiên trước đó (ngày 3/9/2015). Trái phiếu kỳ hạn 5 năm không có lãi suất trúng thầu. Như vậy, tỷ lệ trúng thầu chỉ đạt 20,4%.
Trước đó, Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam – VBMA cũng đưa ra thống kê trong tháng 8, Kho bạc Nhà nước huy động thành công 4.206 tỷ đồng trái phiếu trong tổng số 14.000 tỷ đồng trái phiếu gọi thầu. Tỷ lệ trúng thầu chỉ đạt 30% (trong tháng 7 đạt 60,2%). Tính chung hai tháng 7 và 8, Kho bạc Nhà nước mới huy động được 18.953 tỷ đồng, con số này còn cách xa so với kế hoạch phát hành trái phiếu Chính phủ quý III năm 2015 là 60.000 tỷ đồng.
Trong báo cáo trái phiếu tiền tệ (tháng 9/2015) mới đây, Công ty chứng khoán Bản Việt – VCSC cho rằng, trái phiếu không thu hút được người mua và Kho bạc Nhà nước chắc chắn không thể hoàn tất kế hoạch phát hành trái phiếu quý III này.
Nguyên nhân được các chuyên gia VCSC cho rằng, lo ngại về sự ổn định của đồng nội tệ sau đợt điều chỉnh tỷ giá USD/VND lần thứ ba trong năm nay khiến thị trường kỳ vọng lợi suất sẽ tăng nhưng Kho bạc Nhà nước vẫn chưa tăng lợi suất trúng thầu tương ứng.
Sau khi lợi suất trúng thầu giảm 0,1% xuống 6,4%, trái phiếu chính phủ kỳ hạn 5 năm không tìm được người mua tại phiên đấu thầu cuối tháng tám. Lợi suất cuối cùng tăng nhẹ 0,05% lên 6,45% đầu tháng 9 nhưng do thị trường kỳ vọng lợi suất sẽ còn tăng nên tỷ lệ vẫn thấp.
Trong khi đó, lợi suất tất cả các kỳ hạn trên thị trường thứ cấp đồng loạt tăng vì những biến động tỷ giá khiến nhà đầu tư nước ngoài bán mạnh. Cụ thể, khối này đã bán ròng hơn 4.300 tỷ đồng trong tháng 8, trong khi chỉ bán ròng 1.700 tỷ đồng trong bảy tháng đầu năm khiến lợi suất tất cả các kỳ hạn tăng 0,15-0,2%. Tuy nhiên, trong hai tuần qua khối này đã mua ròng trở lại.
VCSC dự báo Kho bạc Nhà nước khó hoàn tất kế hoạch phát hành trái phiếu Quý III. |
Ngoài ra, Công ty chứng khoán Bản Việt nhìn nhận có thể dòng vốn đang chảy từ trái phiếu sang tín dụng vì tính đến cuối tháng 8, các ngân hàng đạt tăng trưởng tín dụng 10,23%, cao nhất trong 4 năm qua.
Phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần lý giải thêm, không hẳn các ngân hàng hiện nay không mặn mà với trái phiếu kỳ hạn dài để dồn vốn cho tín dụng mà do quy định của Thông tư 36 vừa được ban hành có một số quy định khiến các nhà băng chỉ được đầu tư trái phiếu Chính phủ trong giới hạn cho phép.
Theo đó, tại Điều 17, Khoản 6 của Thông tư 36, tỷ lệ tối đa được mua, đầu tư trái phiếu Chính phủ so với nguồn vốn ngắn hạn của ngân hàng thương mại Nhà nước là 15%; ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài là 35%; chi nhánh ngân hàng nước ngoài là 15%; và tổ chức tín dụng phi ngân hàng là 5%. “Đến nay một số ngân hàng đã chạm trần cho phép của Ngân hàng Nhà nước”, ông chia sẻ.
Với tình trạng “ì ạch” của trái phiếu thời gian qua, Công ty chứng khoán bản Việt dự báo, Kho bạc Nhà nước chắc chắn không thể hoàn tất kế hoạch phát hành trái phiếu Quý III.
“Lũy kế từ đầu năm đến giữa tháng 9, lượng trái phiếu phát hành chỉ đạt 39% mục tiêu cả năm 2015 (kế hoạch huy động 250.000 tỷ đồng). Do nhu cầu bù đắp thâm hụt tài khóa nên áp lực tăng lợi suất tại các phiên đấu thầu tới hiện là rất lớn”, VCSC nhận định.
Một thành viên của Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia cũng đánh giá rằng, nhu cầu đầu tư của Chính phủ hiện vẫn khá cao nhằm tạo động lực phát triển kinh tế nên cần nguồn vốn lớn. Nhưng các ngân hàng thương mại (đối tượng chính mua trái phiếu Chính phủ) gần như không còn nhiều dư địa để mua. “Và với tốc độ huy động trái phiếu Chính phủ hiện tại thì áp lực huy động vốn đối với Kho bạc Nhà nước trong những tháng tiếp theo sẽ không nhỏ”, ông nói.
Lệ Chi