Không có nhiều yếu tố có thể khuấy động thị trường dầu thô hơn là đồn đoán Nga có thể sẽ hợp tác với OPEC. Tháng trước, chính những tin đồn như vậy đã đẩy giá dầu thô tăng liên tiếp trong 3 phiên với mức tăng lớn nhất trong vòng 25 năm qua. Dù vậy,vẫn có những lý do về kinh tế và kỹ thuật khiến tin đồn này khó trở thành hiện thực.
“Nga và OPEC từng nhiều lần đàm phán về việc hợp tác cắt giảm sản lượng dầu trước đây, nhưng kết quả vẫn luôn là sự thất vọng. Nga cho rằng, một khi giá dầu giảm, các nước thành viên OPEC sẽ rơi vào vị thế yếu hơn và sẽ phải đi tiên phong trong việc cắt giảm sản lượng dầu. Và thực tế họ đã luôn làm như vậy”, cựu Bộ trưởng năng lượng Algeria – ông Nordine Ait-Laoussine cho biết.
Xung đột của các nhóm lợi ích là lý do ngăn cản sự hợp tác giữa Nga và các nước vùng Vịnh. Ảnh: BI |
Từ lâu, Nga vẫn cạnh tranh quyết liệt với Saudi Arabia và Mỹ để giành lấy vị trí nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới. Trong nỗ lực nhằm cứu vớt giá dầu, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro cho biết đã đạt được thỏa thuận với Nga về những biện pháp nhằm ổn định thị trường trong tuần trước.
Ngay sau đó, các quan chức Nga đã nhanh chóng phủ nhận khả năng chung tay hợp tác như vậy. Bộ trưởng năng lượng Nga Alexander Novak cho rằng, cố gắng cắt giảm sản lượng dầu thô sẽ là biện pháp vô nghĩa về dài hạn. Ông Igor Sechin – Tổng giám đốc tập đoàn dầu khí lớn nhất nước Nga Rosneft, cũng khẳng định Nga sẽ không hợp tác với OPEC và không thể cắt giảm sản lượng dù rất muốn.
Nhu cầu vực lại giá dầu của Nga là có thực khi kinh tế nước này phụ thuộc rất lớn vào năng lượng, đặc biệt là dầu thô. Nhóm mặt hàng này chiếm hơn 60% tổng kim ngạch xuất khẩu của Nga trong khi đà lao dốc của giá dầu đang dần đẩy Nga vào suy thoái sâu. Đóng góp của dầu thô vào ngân sách cũng đã giảm xuống mức thấp nhất từ năm 2009, theo số liệu của Bộ Tài chính Nga.
Tuy nhiên, kinh tế nước này vẫn có thể trụ vững trước đà lao dốc của giá dầu lâu hơn so với nhiều nước thành viên của OPEC. Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov dự đoán, thâm hụt ngân sách của Nga sẽ chỉ rơi vào khoảng 3% GDP năm 2015. Trong khi đó, Saudi Arabia – nước sản xuất dầu lớn nhất của OPEC – sẽ phải chịu mức thâm hụt ngân sách gần 20% GDP năm 2015, theo dự đoán của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).
Tuần trước, Phó thủ tướng Arkady Dvorkovich cho biết Nga vẫn thấy thoải mái với giá dầu ở trên ngưỡng 60 USD/thùng. Mặt khác theo IMF, một số nước thành viên của OPEC cần đẩy giá dầu thô lên trên 100 USD/thùng để cân bằng ngân sách chính phủ trong khi giá dầu thô Brent đang ở khoảng 49 USD/thùng.
Thậm chí, nếu trong tương lai muốn hợp tác với OPEC để cắt giảm sản lượng dầu thô thì Nga cũng không có khả năng nhanh chóng điều chỉnh sản lượng tăng/giảm như một số nước vùng Vịnh, do điều kiện thời tiết khắc nghiệt và địa chất của các mỏ dầu ở Siberia rất phức tạp.
“Không thể điều chỉnh sản lượng tại các giếng dầu của Nga chỉ đơn giản bằng cách vặn khóa”, một số chuyên gia trong ngành cho biết.
Vai trò của các doanh nghiệp dầu khí tư nhân của Nga
Khác với Saudi Arabia hay Iran, ở Nga, không phải chỉ có duy nhất một doanh nghiệp quốc doanh có thể kiểm soát sản lượng dầu của cả nước. Nga có khá nhiều nhà sản xuất dầu khác được niêm yết trên sàn chứng khoán. Điều này có nghĩa với việc họ không thể hạn chế sản lượng dầu theo cách của các thành viên OPEC, ông Sechin cho hay.
Thậm chí, các doanh nghiệp dầu khí của Nga cũng phản đối liên minh với OPEC. Trên thực tế, việc cắt giảm sản lượng dầu sẽ là cú sốc lớn đối với các doanh nghiệp này bởi họ vẫn đang hoạt động tốt hơn nhiều so với nước ngoài nhờ công nghệ chiết tách dầu của Nga và mức thuế xuất khẩu thấp.
Hiện nay, Nga đang trực tiếp cạnh tranh thị phần với các nước thành viên OPEC, đặc biệt là tại châu Á – thị trường tiêu thụ dầu thô lớn của thế giới.
Trong khi đó, Iran – đất nước có sản lượng dầu thô tương đương với Nga – sẽ tăng sản lượng dầu thêm một triệu thùng/ngày từ năm 2016 sau khi đạt được thỏa thuận để gỡ bỏ lệnh trừng phạt quốc tế. Một câu hỏi đặt ra là, tại sao Nga phải cắt giảm sản lượng trong khi Iran lại chuẩn bị tăng cường năng lực sản xuất?
Quan hệ giữa Nga và OPEC vốn căng thẳng từ thời Liên Xô cũ khi hai bên tranh giành quyền kiểm soát thị trường châu Âu và châu Á, và vấp phải sự xung đột về giá trị giữa Nhà nước Hồi giáo của OPEC và Đảng Cộng sản của Liên Xô.
Ý tưởng về liên minh Nga – OPEC lần đầu tiên được đưa ra vào những năm 1970 như là một cách để đối đầu với đế quốc Mỹ, theo ông Stanislav Zhiznin – Giám đốc Trung tâm Ngoại giao năng lượng và Địa chính trị ở Moscow và là cựu Ngoại trưởng Nga (từ năm 1977 – 2011).
Tuy nhiên vào thời điểm đó, chính OPEC lại không tìm được tiếng nói chung giữa các thành viên. Một số thành viên, như Saudi Arabia, lại ủng hộ Mỹ và chống Liên Xô. Khi đó chính phủ Liên Xô tin rằng họ không chỉ phải tham gia OPEC mà còn phải lãnh đạo tổ chức này.
Việc thành lập liên minh giữa Nga và OPEC nhằm hỗ trợ giá dầu từng được đề cập lại sau vụ khủng bố ngày 11/9 tại Mỹ và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Tuy nhiên, kết quả đàm phán vẫn là con số không.
Kim Dung (theo Bloomberg)