Kinh tế thế giới đứng trước nguy cơ suy thoái vì Trung Quốc

Citi dự đoán kinh tế toàn cầu sẽ rơi vào suy thoái trong cả năm 2016 và phần lớn thời gian của năm 2017. Xác suất xảy ra khả năng này là 55%, và khả năng nó trở nên nghiệm trọng là 15%. Trước đó, một dự báo tương tự cũng từng được các chuyên gia của Morgan Stanley đưa ra.

“Với những dấu hiệu sắp hạ cánh cứng, Trung Quốc ngày càng có khả năng đẩy kinh tế toàn cầu vào suy thoái”, kinh tế trưởng Willem Buiter của Citi dự báo. Bong bóng bất động sản và chứng khoán luôn là công thức kinh điển của một cuộc suy thoái tại tất cả các nền kinh tế. 

Theo ông Buiter, nhiều lĩnh vực của nền kinh tế Trung Quốc đang bị dư thừa công suất, trong khi khu vực tư nhân lại dùng đòn bẩy tài chính quá mạnh. Đây chính là 2 nguyên nhân có thể đẩy kinh tế Trung Quốc vào trạng thái “tê liệt” trong tương lai. Citi ước tính kinh tế Trung Quốc chỉ đang tăng trưởng ở mức 4%, thấp hơn nhiều so với số liệu chính thức của Chính phủ và mức mục tiêu 7%. 

china-4-1858-1441957324.jpg

Kinh tế Trung Quốc đang có nhiều dấu hiệu hạ cánh cứng rõ rệt. Ảnh: Stuff

Không chỉ Trung Quốc, các nền kinh tế mới nổi khác, như Brazil, Nga và Nam Phi, cũng đang gặp khó. Nếu Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng trì trệ, nhiều thị trường mới nổi khác vốn đã suy yếu, sẽ tiếp tục yếu đi do nhu cầu tiêu thụ và giá cả hàng hóa đồng loạt giảm mạnh, Buiter nhận định. 

Ông Buiter đánh giá, phản ứng của các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc trước biến động vẫn chưa gây được ấn tượng với thị trường. Theo dự đoán của Citi, Chính phủ Trung Quốc sẽ không triển khai thêm bất cứ biện pháp kích thích tăng trưởng nào khác. Thủ tướng Lý Khắc Cường mới đây cũng khẳng định Trung Quốc không châm ngòi cho chiến tranh tiền tệ. 

Sự suy yếu của kinh tế toàn cầu có thể thấy rõ qua lợi nhuận doanh nghiệp, tốc độ tăng trưởng kinh tế, lạm phát và số liệu thương mại. Tất cả đều cho thấy nhu cầu tiêu thụ toàn cầu đang ở mức thấp. “Các chuyên gia kinh tế hiếm khi sử dụng các từ suy thoái, tuột dốc, phục hồi hay thời kỳ bùng nổ, trừ phi họ đang phải đối mặt với chính điều đó”, ông Buiter nói. 

Nếu kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái, dù chỉ ở mức độ vừa phải, đây vẫn sẽ là thời điểm rất khó khăn đối với các nhà hoạch định chính sách trên toàn thế giới. Đặc biệt khi nhiều nước đang nới lỏng chính sách tiền tệ kỷ lục. 

Mỹ và Anh là hai quốc gia duy nhất được dự báo sẽ nâng lãi suất trở lại từ nay đến giữa năm 2016 với mức tăng rất nhỏ. Đây chính là thời điểm Citi cho rằng thế giới rơi vào suy thoái. Khi đó, hai nước này có thể buộc phải đảo ngược chính sách lãi suất. 

Dù các ngân hàng trung ương có thể sử dụng công cụ khác để tránh suy thoái toàn cầu, các nhà hoạch định chính sách sẽ không được tự do hành động. Phần nào đó, họ sẽ phải chịu sự chi phối của các chính trị gia trong các quyết định nới lỏng tiền tệ. 

Kim Dung (theo Telegraph)

0913.756.339