Theo báo cáo của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế – Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 25/8/2015, tín dụng nền kinh tế tăng 9,54% so với cuối năm 2014, cao hơn nhiều mức tăng 4,33% của cùng kỳ năm 2014. Dòng vốn tín dụng vẫn chảy mạnh vào các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ.
Theo đó, dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp – nông thôn của các tổ chức tín dụng (không bao gồm dư nợ cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam) đến cuối tháng 8/2015 ước đạt 811.638 tỷ đồng, tăng 9% so với 31/12/2014.
Tín dụng tăng mạnh sau 8 tháng. |
Dư nợ cho vay đối với 4 lĩnh vực ưu tiên còn lại tính đến cuối tháng 6/2015 lần lượt như sau: Cho vay lĩnh vực xuất khẩu đạt 184.596 tỷ đồng, tăng 4,99%; cho vay lĩnh vực doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao 25.614 tỷ đồng, tăng 29,12%; lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đạt 110.620 tỷ đồng, tăng 3,2% và doanh nghiệp nhỏ và vừa 976.729 tỷ đồng, tăng 4,07% so với cuối năm 2014.
Trong khi tín dụng tăng khá mạnh thì huy động vốn vẫn giữ ở mức độ khá ổn định. Cụ thể, tính đến 20/8, tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng ước tăng 7,26% (cùng kỳ năm 2014 tăng 7,92%).
Trong tháng, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay bằng tiền đồng tương đối ổn định so với tháng trước, dao động 4-7% mỗi năm. Lãi suất huy động USD phổ biến bằng mức trần do Ngân hàng Nhà nước quy định.
Tuy nhiên, từ đầu tháng 9, một số ngân hàng thương mại cổ phần đã niêm yết biểu lãi suất mới, theo hướng nhích nhẹ lãi suất huy động ở kỳ hạn ngắn thêm từ 0,1% đến 0,3% mỗi năm. Theo cảnh báo của các chuyên gia, nếu Ngân hàng Nhà nước không thận trọng, lãi suất sẽ nóng dần lên và tạo lập mặt bằng mới.
Lệ Chi