Bên trong những nhà máy trống không tại Trung Quốc

Sau nhiều thập kỷ tăng trưởng mạnh nhờ xuất khẩu hàng hóa giá rẻ, kinh tế Trung Quốc đang trượt dốc. Việc này đã ảnh hưởng tiêu cực lên các công nhân nhà máy, khiến họ cảm thấy mình đang bị xã hội bỏ lại phía sau.

Đến nay, ông Ma Xinqing và Wang Dishan đã dành tới 20 năm làm việc tại một nhà máy sản xuất máy móc ở Đằng Châu, một thành phố công nghiệp ở phía bắc tỉnh Sơn Đông. Nhưng đầu năm nay, nhà máy này đã bị đóng cửa. Nơi này giờ chỉ còn hai ông vừa làm việc trực tiếp vừa kiêm bảo vệ. Các nhân viên còn lại thì hoặc đã bị sa thải, hoặc được chuyển sang nơi khác.

Ma và Wang mất cả ngày để đi kiểm tra khắp cả khu nhà xưởng trống không, vắng lặng. Những mảnh máy móc còn sót lại đang chất đống, phủ đầy bụi bẩn. Những đám cỏ dại cũng đang dần lan ra.

fact-jpeg-3729-1441130655.jpg

Nhà máy trống không nơi ông Ma và ông Wang đang làm việc. 

“Hai người chúng tôi đang trông coi nhà máy này. Mặt bằng đã được dọn dẹp rồi và giờ người ta đang tìm xem có ai sẽ thuê lại không. Việc kinh doanh trước đây không được tốt lắm”, ông Ma nói.

Vài chục năm trước, khi Trung Quốc chưa cải cách kinh tế, chưa có công nghiệp hóa, Ma và Wang vẫn là nông dân. Cả hai ông bấy giờ đều thuộc tầng lớp lao động thu nhập thấp, mà một thời được coi là xương sống của nền kinh tế nước này.

“Chúng tôi cảm thấy như những người lính bị bỏ lại vậy. Như thể chúng tôi không có khả năng theo kịp ấy”, ông Ma chia sẻ.

ma-horz-9394-1441130656.jpg

Ma (trái) và Wang (phải) là hai công nhân cuối cùng còn làm việc tại đây. Ảnh: CNN

Giờ đây, một lần nữa hai ông lại quay trở về với nghề trồng trọt. Họ trồng các loại rau và cây ăn trái ngay trên nền của nhà máy cũ. Ma nói: “Chúng tôi thấy thật buồn chán và trồng rau quả khi chẳng có gì để làm”. Hai công nhân 65 tuổi này cũng không chắc liệu họ có thể hòa nhập được vào một “Trung Quốc mới” hay không.

Chỉ số sản xuất của Trung Quốc đã giảm xuống đáy 3 năm trong tháng 8. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn đang tăng trưởng, nhưng các nhà máy truyền thống tập trung vào hàng xuất khẩu giá rẻ đã không còn là một mô hình kinh doanh phát triển mạnh nữa.

Trung Quốc đã phải chào tạm biệt những năm tăng trưởng hai con số. Và vì nhu cầu hàng Trung Quốc sụt giảm, các nhà máy đang bị kêu gọi tăng tính đột phá và nâng cao hiệu suất lao động. Ngoài ra, cạnh tranh quốc tế ngày càng tăng đã khiến nhiều nhà máy Trung Quốc đi theo hướng hiện đại hóa và chuyên môn hóa hơn.

Hồi tháng 6, Bắc Kinh đã tuyên bố kế hoạch “Sản xuất tại Trung Quốc năm 2025” (Made in China 2025) nhằm nâng cấp ngành sản xuất của quốc gia này, để bắt kịp xu hướng cạnh tranh toàn cầu.

Cảnh tượng trống trải trong các nhà máy đã không còn xa lạ tại nhiều thành phố như Đằng Châu, vốn được coi là một thành phố công nghiệp nhỏ theo tiêu chuẩn của Trung Quốc, dù dân số chỉ là 1,5 triệu người.

Theo Cục Thống kê Quốc gia, nền kinh tế lớn nhì thế giới đang tăng trưởng với tốc độ 7% – thấp nhất 25 năm qua. Giới quan sát đã đặt ra câu hỏi rằng liệu con số đó có bị thổi phồng lên không?

Nhưng tại các thành phố nghèo hơn của Trung Quốc, nhiều người đã cảm nhận được tác động của nền kinh tế đang đi xuống. Nhiều người kinh doanh gần nơi một số nhà máy ở Đằng Châu đã bị đóng cửa đang tự hỏi liệu họ có thể duy trì được việc làm ăn của mình hay không.

Wang Changmei, chủ một quán mì nhỏ tại đây cho biết hai phần ba số khách hàng của chị đã không còn trở lại nữa. “Tất nhiên là tôi có lo lắng rồi. Thế này thì khó mà kiếm sống được”, chị Wang chia sẻ.

Thanh Tuyền(theo CNN)

0913.756.339