Hai trong số các nội dung nổi bật trong bài là “Hãy làm việc chăm chỉ để bạn là trở thành người cuối cùng bị sa thải” và “Khi có khủng hoảng kinh tế, tính thanh khoản luôn là ưu tiên số một”.
Zhang Yuanyuan (31 tuổi) nhân viên ngân hàng ở tỉnh Sơn Đông, là một trong hàng nghìn người đã chia sẻ nội dung này trên Internet. “Năm ngoái chúng tôi không có tiệc liên hoan hay thưởng gì vào cuối năm. Năm nay chắc cũng vậy thôi”, cô trả lời trên New York Times, “Tôi đang cố chi tiêu ít hơn, và đi làm chung xe với đồng nghiệp để tiết kiệm xăng”.
Rất nhiều người trẻ thuộc giới trung lưu Trung Quốc lớn lên trong thời kỳ bùng nổ kinh tế với tốc độ tăng trưởng luôn đạt mức hai chữ số. Nhưng giờ họ đang phải đối mặt với bóng đen suy thoái và khả năng Chính phủ thắt lưng buộc bụng. Họ phải ngừng du lịch, hoãn đám cưới và thậm chí bán nhà để tích trữ tiền mặt. Những người thua lỗ vì chứng khoán là nhóm người đặc biệt lo lắng.
Lin Mo – tác giả của mục tư vấn đang nổi tiếng trên mạng xã hội Trung Quốc. Ảnh: NYT |
Sự hoang mang của người dân đang đặt ra nhiều vấn đề cho giới lãnh đạo. Vị thế của họ dựa cả vào việc tạo ra tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ có việc làm cao. Bắc Kinh cũng hy vọng có thể kích thích chi tiêu để làm đòn bẩy tăng trưởng, trong bối cảnh lĩnh vực sản xuất đang đình trệ, đồng thời lái nền kinh tế ra khỏi mô hình tăng trưởng dựa vào đầu tư. Và sự lo lắng trong dân chúng đang đe dọa cả hai mục tiêu này.
Hồi đầu tháng, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã phá giá đồng Nhân dân tệ xuống mức thấp kỷ lục trong nhiều thập kỷ. Điều này cho thấy Chính phủ đang lo lắng về tốc độ tăng trưởng, vốn được dự đoán chỉ còn 7% đầu năm nay. Tiếp đó là chứng khoán Trung Quốc giảm mạnh, làm chao đảo thị trường chứng khoán toàn cầu.
Chủ đề kinh tế và thị trường trên mạng xã hội Trung Quốc đang trở nên nóng hơn bao giờ hết. “Trong tình hình thiếu hụt thông tin về thị trường chứng khoán trên các phương tiện truyền thông chính thống, nhà đầu tư Trung Quốc đã tìm tới truyền thông xã hội, chủ yếu là Weibo và WeChat, để cập nhật tin tức kinh tế”, Xiao Qiang – người sáng lập tờ China Digital Times cho biết.
Lin Mo – tác giả của mục tư vấn trên, từng làm việc cho một tạp chí kinh tế của Nhà nước trước khi bắt đầu viết tin tức kinh tế tự do. Trong một cuộc phỏng vấn, cô cho biết mình đã đăng tải danh sách lời khuyên trên sau khi nhận được hàng trăm tin nhắn từ những độc giả “đang vô cùng hoang mang” phản hồi lại bài viết của cô về “khủng hoảng kinh tế.”
“Rất nhiều độc giả hỏi tôi những câu như: “Chúng ta nên làm gì đây?” và “Nếu Trung Quốc biến thành Nhật Bản những năm 80 thì sao?”. “Họ hiện đã hơn 30 – lứa tuổi luôn phải đối mặt với những quyết định tài chính quan trọng, như mua nhà, đầu tư hay kinh doanh. Họ lo lắng sẽ mất trắng các khoản đầu tư trong tình hình suy thoái. Rất nhiều người trong số họ đang cố gắng vươn lên những chức vụ cao hơn, và e ngại sẽ bị sa thải nếu nền kinh tế đóng băng. Một độc giả của tôi cho biết anh ta vừa bỏ việc ở một công ty du lịch nhà nước để tới một công ty dịch vụ du lịch trực tuyến đang ăn nên làm ra. Giờ anh đang vô cùng lo lắng và hối hận vì công ty mới đang thực hiện cắt giảm nhân sự”, cô nói.
Hoang mang nhất có lẽ là sinh viên mới tốt nghiệp. Năm nay, gần 7,5 triệu sinh viên Trung Quốc sẽ ra trường, tăng 3% so với năm ngoái.
“Kiếm việc làm đang ngày càng trở nên khó khăn”, Zhang Feng – Giám đốc trung tâm nghề nghiệp thuộc Bộ Giáo dục Trung Quốc cho biết. “Công việc lương cao ngày càng hiếm. Sinh viên mới ra trường hầu hết phải dựa vào mối quan hệ của bố mẹ để vào được các doanh nghiệp nhà nước”, Victor Shih – nhà kinh tế học chính trị ở Đại học California nhận xét.
Trên Zhihu – một website hỏi đáp của Trung Quốc tương tự như Quora, sau khi một thành viên đăng tải câu hỏi “Công việc của bạn có dấu hiệu nào cho thấy tình hình kinh tế đang đi xuống không?”, hàng trăm người đã hồi đáp lại với những câu trả lời như: “Tôi làm nhân viên kinh doanh – và không được hưởng hoa hồng đây này” hay “Tôi làm trong ngành xây dựng. Năm ngoái chúng tôi có bốn dự án, năm nay chả có cái nào. Công ty đang bắt đầu cắt giảm nhân sự rồi”.
Gao Yike (25 tuổi) đang làm việc cho một công ty bất động sản ở Cáp Nhĩ Tân. Anh cho biết ban giám đốc dự án đã bắt đầu sa thải nhân viên từ tháng 4. Ngày càng có nhiều cán bộ trung và cao cấp bỏ sang làm cho các công ty công nghệ, và thị trường bất động sản thậm chí còn ảm đạm hơn năm ngoái.
Gao đã mất một nửa số tiền đầu tư của mình trên thị trường chứng khoán và đang có kế hoạch thắt chặt chi tiêu. Trong chuyến đi Mỹ vào tháng sau, có thể anh sẽ ở nhờ nhà bạn thay vì tốn tiền vào khách sạn.
Cô Zhang, nhân viên ngân hàng đã chia sẻ lời khuyên của Lin Mo, vẫn hy vọng sẽ có cách giải quyết cho những khó khăn này. “Có lẽ suy thoái kinh tế cũng không đến mức tồi tệ như vậy. Chúng ta sẽ ít phải làm thêm hơn. Và nếu không thể tăng thu nhập, chúng ta có thể nghĩ đến những thứ khác, như ở bên cha mẹ hay đọc sách chẳng hạn”, cô nói.
Hà Tường (theo New York Times)