Doanh nghiệp Mỹ lận đận vì Trung Quốc

Những năm gần đây, kim ngạch thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đều trên 579 tỷ USD. Trung Quốc hiện là nền kinh tế lớn nhì thế giới, sau Mỹ, và cũng là đối tác thương mại lớn thứ 2 của nước này. “Hàng xuất khẩu của Mỹ vào Trung Quốc vẫn tăng đều đặn cho đến cuối năm ngoái. Nhưng với tốc độ hiện tại, kim ngạch năm nay sẽ thấp hơn năm ngoái 5-10%. Chủ yếu do kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại. Đồng NDT mất giá sẽ càng khiến tình hình này trầm trọng”, Clayton Dube – Giám đốc Viện nghiên cứu Mỹ – Trung thuộc Đại học Nam California nhận xét.

Trung Quốc đã có những biện pháp chưa từng có để vực dậy thị trường chứng khoán sau hai đợt lao dốc gần đây. Nhưng khi NDT ngày càng mất giá, những nỗ lực của Bắc Kinh chỉ càng khiến người ta lo ngại bất ổn xã hội sẽ xảy ra, nếu nền kinh tế tiếp tục giảm tốc.

Những lo lắng về quyết định phá giá tiền tệ của Trung Quốc và nền kinh tế đông dân nhất thế giới chậm lại đã khiến chứng khoán Mỹ liên tục sụt giảm hồi đầu tuần. Chịu tác động nặng nhất là các công ty có hoạt động kinh doanh lớn tại thị trường này.  

1. Yum Brands

kfc-bloom-5295-1440738659.jpg

Một cửa hàng KFC tại Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg

Quý trước, hơn nửa doanh thu (3,1 tỷ USD) công ty mẹ của KFC, Taco Bell và Pizza Hut là từ Trung Quốc. Tuy nhiên, mảng kinh doanh của hãng tại đây đang bị ảnh hưởng khi Trung Quốc tăng trưởng chậm lại và nhiều scandal liên quan đến chất lượng thực phẩm. Doanh thu tại các cửa hàng Trung Quốc đã mở từ 1 năm trở lên đã giảm 10% quý trước so với cùng kỳ năm ngoái. CEO Yum Brands – Greg Creed rõ ràng rất phiền lòng về hoạt động tại đây. Trong một tuyên bố gần đây, ông cho biết “đà phục hồi mất nhiều thời gian hơn chúng tôi nghĩ”. Cổ phiếu Yum đã giảm hơn 7% trong một tháng qua.

2. Caterpillar

Trong quý II, doanh thu các thiết bị công nghiệp nặng của hãng tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương (trong đó có Trung Quốc), đã giảm 22% xuống 2,24 tỷ USD. Caterpillar đổ lỗi cho sự suy giảm tại lĩnh vực khai khoáng và xây dựng Trung Quốc. Cổ phiếu hãng này cũng đã mất hơn 12% trong tháng qua.

3. Tiffany & Co

Do người Trung Quốc ngày càng thích hàng cao cấp, hãng bán lẻ trang sức này đã rất nhanh chóng gia tăng thị phần tại đây. Quý đầu năm, công ty còn mở thêm 2 cửa hàng mới tại Trung Quốc. Tuy nhiên, doanh thu của hãng tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương vẫn giảm 1% xuống 259 triệu USD, do sự sụt giảm tại các thị trường như Macau hay Hong Kong (Trung Quốc). Nguồn thu từ khách du lịch Trung Quốc tại Mỹ cũng đang đi xuống. Cổ phiếu Tiffany đã giảm 15% năm nay.

4. Macy’s

Tuy hãng bán lẻ này không có cửa hàng tại Trung Quốc, rất nhiều khách du lịch nước này vẫn tới Mỹ để tới mua sắm tại đây. Song USD mạnh lên so với NDT đã ảnh hưởng đến túi tiền các khách du lịch. Lợi nhuận quý trước của hãng đã giảm 25% so với năm ngoái. Dù vậy, Macy’s đã rất nhanh chóng tuyên bố sẽ liên doanh với một công ty Trung Quốc để nhắm vào người tiêu dùng nước này thông qua thương mại điện tử. Họ gọi Trung Quốc là “một trong những thị trường tiêu dùng lớn và phát triển nhah nhất thế giới”.

5. General Motors

Thị trường chứng khoán Trung Quốc lao dốc đã khiến doanh số bán ôtô giảm mạnh. Đây dĩ nhiên là tin tức chẳng mấy tốt đẹp với GM, do Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chủ chốt của hãng xe này. Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Trung Quốc đã giảm dự báo tăng trưởng doanh thu từ hơn 6% xuống 3% năm nay. Doanh thu của GM tại Trung Quốc tháng trước cũng mất 4%, dù hãng xe này “dự báo kết quả kinh doanh tại Trung Quốc sẽ vẫn ổn định trong nửa cuối 2015”.

6. Các hãng công nghệ

apple-china-3715-1440738659.jpg

Khách hàng đang dùng thử sản phẩm tại Apple Store Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg

Những đại gia công nghệ như Cisco Systems, Intel, Hewlett-Packard hay Microsoft đều coi Trung Quốc là thị trường khổng lồ cho cả phần mềm và phần cứng máy tính. Tuy nhiên, trong tình hình hiện tại, họ đều đang phải trải qua thời kỳ rất khó khăn. Kể cả từ trước đó, những công ty này cũng đã chịu tác động lớn, do áp lực cạnh tranh từ các đối thủ Trung Quốc và Chính phủ Trung Quốc gây khó dễ khi ép doanh nghiệp trong nước mua sản phẩm nội.  

Intel thường xuyên bị chỉ trích vì chậm chân trong mảng di động tại Mỹ. Kế hoạch sản xuất chip điện thoại tại Trung Quốc của hãng cũng đang bị cạnh tranh khốc liệt từ các hãng trong nước, như Allwinner Technology.

HP cũng đang nỗ lực hợp tác với Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) để đẩy mạnh tăng trưởng trong khu vực. Trong một buổi nói chuyện gần đây, CEO HP – Meg Whitman cho biết “Trung Quốc là thị trường rất lớn và quan trọng với chúng tôi. Nhưng nó cũng rất cạnh tranh”.

Đại gia thiết bị mạng – Cisco thì bị giảm tới 20% doanh thu tại Trung Quốc trong quý I. Dù vậy, người phát ngôn của hãng cho biết mảng kinh doanh tại Trung Quốc chỉ đóng góp gần 3% doanh thu cho Cisco.  

Microsoft cũng đang gặp rắc rối với mảng điện thoại di động tại đây. Theo báo cáo mới nhất, hãng chỉ bán được 27,8 triệu thiết bị di động trong quý II, giảm mạnh so với 50,3 triệu cùng kỳ năm ngoái. Trước đó, họ còn bị Huawei giành vị trí hãng điện thoại lớn thứ 3 nước này.

CEO Apple – Tim Cook đầu tuần này cũng đã phải trấn an nhà đầu tư rằng doanh thu của hãng sẽ tiếp tục “tăng mạnh” tại Trung Quốc trong tháng 7 và 8. Các phiên trước đó, cổ phiếu Táo Khuyết bị bán tháo, có lúc mất giá tới 20%, do ảnh hưởng từ sự lao dốc trên sàn Thượng Hải. Tổng cộng 5 tuần gần đây, giá cổ phiếu Apple đã mất gần 20%.

Fortune nhận định các công ty lớn của Mỹ đang đối mặt với thời kỳ kinh doanh đầy khó khăn tại Trung Quốc. Và dù các công ty có vẻ đều đang đẩy mạnh đầu tư và nghĩ ra giải pháp mới để có mối quan hệ tốt hơn với nước này, khả năng họ thu về quả ngọt vẫn rất khó xảy ra trong tương lai gần.

Hà Thu (tổng hợp)

0913.756.339