Hơn 5.000 tỷ USD đã tháo chạy khỏi chứng khoán toàn cầu từ sau khi Trung Quốc bất ngờ phá giá nội tệ ngày 11/8, làm dấy lên nhiều lo ngại về suy giảm tại nền kinh tế lớn nhì thế giới. Đà bán càng tăng tốc sau thông tin Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) có thể hoãn tăng lãi suất do lo ngại nền kinh tế khó miễn nhiễm trước các tác động tiêu cực bên ngoài, và giá hàng hóa giảm sẽ khiến lạm phát khó nhích lên.
Đến 9h30 sáng nay (giờ Hà Nội), Shanghai Composite Index trên sàn Thượng Hải mất 8,5%, xuống thấp nhất từ tháng 3 năm nay. MSCI châu Á – Thái Bình Dương giảm ngày thứ 7 liên tiếp, với 2%. Topix (Nhật Bản) mất 3,3%, còn Kospi (Hàn Quốc) giảm gần 2%.
Chứng khoán châu Á sáng nay tiếp tục đi xuống. Ảnh: Bloomberg |
Hang Seng China Enterprise – theo dõi cổ phiếu các công ty Trung Quốc niêm yết trên sàn Hong Kong cũng mất 5,29%, lần đầu xuống dưới 10.000 điểm từ tháng 5 năm ngoái. Tin đồn từ cuối tuần trước, rằng các nhà hoạch định chính sách sẽ giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho các ngân hàng, đã không thành hiện thực.
Đồng yen tiếp tục tăng giá 0,7% so với USD, lên 121,23 yen đổi một USD – mạnh nhất từ ngày 9/7. Euro cũng mạnh lên 0,4%, lên 1,1436 euro đổi một USD.
Tiền tệ các nước mới nổi dựa nhiều vào xuất khẩu nguyên liệu thô đã bị ảnh hưởng mạnh, do tăng trưởng Trung Quốc giảm và giá các hàng hóa khác đi xuống, như dầu thô, đồng hay nickel. Rand Nam Phi hiện ở đáy 14 năm so với USD. Trong khi đó, lira Thổ Nhĩ Kỳ cũng ở mức thấp kỷ lục, do cả bất ổn chính trị trong nước.
“Mọi việc có lẽ sẽ phải tồi tệ thêm nữa, rồi mới hồi phục được. Trung Quốc cần giảm lãi suất và nới lỏng mạnh hơn. FED cũng cần phải rõ ràng hơn nữa”, Nader Naeimi – Giám đốc AMP Capital Investors nhận xét.
Hà Thu(theo Bloomberg)