Trà xanh, thảo mộc chiếm lĩnh thị trường nước đóng chai

Thị trường nước uống tinh khiết với các thương hiệu đình đám Aquafina (PepsiCo), La Vie (Nestle), Sapuwa (Công ty Nước uống Tinh khiết Sài Gòn), Joy (Coca-Cola)… lâu nay gần như thống trị thị trường nước đóng chai. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, vị thế này đang dần lung lay bởi dòng sản phẩm nước giải khát khác như trà xanh, nước trái cây, nước uống thể thao, giải khát colegen…

Khảo sát tại các hệ thống cửa hàng, đại lý và siêu thị cho thấy số lượng nhãn hàng mới gia tăng mạnh. Đáng chú ý, một số sản phẩm chỉ mới ra mắt vài tháng nhưng được khá nhiều khách hàng ưa chuộng dù giá đắt hơn nhiều so với dòng nước tinh khiết và có gas.

st_1439006185.jpg

Tại siêu thị, hàng nhãn riêng về nước giải khát đóng chai được trưng đầy kệ. Ảnh: Hồng Châu.

Anh Hoàng, chủ cửa hàng nước giải khát trên đường Bạch Đằng (quận Bình Thạnh, TP HCM) cho biết, lâu nay chỉ bán nước tinh khiết và đồ uống đóng chai có thương hiệu, nhưng hơn năm trở lại đây, nhận thấy nhu cầu về một số dòng sản phẩm mới về thảo mộc được khách hỏi nhiều nên quyết định bổ sung thêm nhóm hàng này.

“Có những tháng, sản phẩm mới thuộc dòng thảo mộc doanh thu cao hơn 20-30% so với nước đóng chai thông thường. Trong khi đó, nước tinh khiết chỉ bán được với số lượng lớn khi công ty hoặc tập thể nào đó đặt hàng”, anh Hoàng nói. Tại cửa hàng anh, riêng sản phẩm thảo mộc có tới 5-6 loại, trà xanh tới 4 loại, nước tăng lực thể thao cũng không kém về số lượng. “Vì đa dạng về chủng loại nên giá sản phẩm cạnh tranh, đặc biệt nhiều loại là hàng ký gửi nhưng có mức chiết khấu rất tốt”, anh Hoàng chia sẻ.

Tại các hệ thống siêu thị, sản phẩm nước đóng chai với các dòng nước ép trái cây như vải, mãng cầu, nha đam, nho cũng tràn ngập kệ, với da dạng thể tích từ 500ml đến 1,25 lít, giá chỉ 13.000-20.000 đồng. Do nhận thấy sức hấp dẫn về doanh thu của dòng sản phẩm này, một số siêu thị cũng không bỏ lỡ cơ hội khi cho ra khá nhiều sản phẩm hàng nhãn riêng từ trà sữa cho tới chanh muối với dạng chai 350ml.

Tại Big C, trên kệ đồ uống của siêu thị này xuất hiện tới 6-7 loại đồ uống có giá rẻ hơn 20-30% so với các sản phẩm khác, đồng thời, được để ở kệ riêng với trang trí khá bắt mắt.

Trong khi khá nhiều đơn vị không chuyên liên tục tung sản phẩm để chen chân vào thị trường thì các doanh nghiệp trong nhóm đồ uống, đặc biệt là doanh nghiệp chuyên sản xuất nước khoáng, tinh khiết cũng không nằm ngoài cuộc chơi.

Mở đầu xu hướng là Công ty Vital khi đầu 2012 hãng này cho ra các sản phẩm nước khoáng trái cây có 3 hương vị: chanh tươi, chanh muối và chanh dây. Sau một thời gian đạt hiệu ứng cao trên thị trường, cuối năm 2014, hãng tiếp tục ra đời thêm 2 sản phẩm nữa gắn với các loại thảo mộc.

Còn Công ty TNHH sản xuất và thương mại Tân Quang Minh – Bidrico, sau khi thị trường nước uống chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của trà xanh, trà thảo mộc, mà đơn vị dẫn đầu là Tân Hiệp Phát. Cuối năm 2013, công ty này đã tung ra sản phẩm trà thảo dược và sau đó tiếp tục cho ra hàng loạt sản phẩm mới và quảng bá sắp ra mắt sản phẩm chế biến từ chanh muối.

Ông Nguyễn Đăng Hiến, Tổng giám đốc Bidrico xác nhận, thị trường đồ uống đóng chai ngày càng sôi động và cạnh tranh gay gắt. “Chúng tôi có khoảng 48 sản phẩm đồ uống đóng chai, trong đó, 36 sản phẩm không có gas và được chiết xuất từ trái cây và thảo mộc. Toàn bộ sản phẩm được phân phối ở 240 siêu thị trên toàn quốc”, ông Hiến nói và cho biết dù không ngừng đầu tư cho hệ thống phân phối, nhưng sức mua không còn tăng đột biến như thời kỳ trước. Bởi lẽ, lợi nhuận ngành này khá hấp dẫn khiến không chỉ các doanh nghiệp lớn mạnh tay chi tiền để quảng bá và cải tiến sản phẩm mà các đơn vị ngoài ngành cũng chen chân vào đầu tư.

“Chính vì cạnh tranh khốc liệt nên để tăng thị phần và doanh thu chúng tôi buộc đẩy mạnh xuất khẩu, đồng thời, tại thị trường nội địa công ty tấn công vào các khu trường học bằng nhiều cách thức hợp tác”, ông Hiến nói thêm.

Cũng nhận thấy sức hấp dẫn của phân khúc thị trường này, một doanh nhân trong lĩnh vực nhà hàng ở TP HCM chia sẻ, năm 2012 sau khi khảo sát và nhận thấy mức lợi nhuận cao, chị đã quyết định chi khá nhiều tiền để tham gia.

Thế nhưng mọi chuyện không như những gì doanh nhân này kỳ vọng, khi sản phẩm làm ra rất khó chen chân vào thị trường do tiềm lực tài chính hạn hẹp. “Đối thủ cạnh tranh trên thị trường quá mạnh, vốn đầu tư lớn, họ có thể bán chịu cho cửa hàng, đại lý. Trong khi đó, sản phẩm của tôi dù chất lượng tốt nhưng giá thành cao, lại thiếu kênh phân phối. Nếu tôi bán chịu cho đại lý thì sẽ bị chôn vốn và không còn đủ tiềm lực để sản xuất. Sau nhiều năm cầm cự, 2014 tôi buộc phải dừng và lỗ hơn 10 tỷ đồng”, doanh nhân này bộc bạch.

Nghiên cứu của Euromonitor cho biết, quy mô thị trường đồ uống Việt Nam có giá trị khoảng 54.000 tỷ đồng (khoảng 2 tỷ USD). Riêng ngành hàng trà đóng chai, tỷ lệ tăng trưởng kép (CAGR) hàng năm trong giai đoạn 2007 – 2012 đạt trên 48%.

Trong khi đó, theo dự báo của Công ty Nghiên cứu thị trường Business Monitor International (BMI), lượng tiêu thụ nước giải khát không cồn sẽ tăng lên 2,7 tỷ lít vào năm 2017, tương ứng với tốc độ tăng trưởng trung bình là 7%. Doanh thu bán nước giải khát tăng với tốc độ trung bình 14,2% đạt 136.000 tỷ đồng vào 2017.

Báo cáo của BMI còn cho biết, hiện nay, sự ra đời của nhiều loại sản phẩm như trà xanh đóng chai, cà phê đóng chai, thảo mộc đóng chai… đã khiến thị trường nước giải khát phong phú và đa dạng hơn. Xu hướng này tiếp tục gia tăng khi các doanh nghiệp mới đang nỗ lực tìm ra những sản phẩm mới lạ hơn nữa.

Hồng Châu

0913.756.339