Petrolimex lo giảm lãi vì tỷ giá

Trao đổi với VnExpress sau khi công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm, Phó tổng giám đốc Petrolimex – Trần Ngọc Năm đánh giá đây là giai đoạn khả quan với lợi nhuận sau thuế đạt 1.586 tỷ đồng, tăng 137% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, vị này cũng lo ngại kết quả kinh doanh những tháng cuối năm sẽ không thuận lợi như trước, do diễn biến giá dầu thế giới có xu hướng giảm và hệ quả của việc điều chỉnh tỷ giá.

“Trong khi doanh nghiệp cứ bán giá sau lại tồn kho giá trước, thì việc điều chỉnh tỷ giá và bien độ từ đầu năm đến nay 3% sẽ khiến tập đoàn phải bù khoảng hơn 300 tỷ đồng”, vị này cho hay.

Theo lãnh đạo Petrolimex, số tiền bù chênh lệch tỷ giá được tính toán từ phần dư vay và các khoản nợ nước ngoài của doanh nghiệp. Ngoài ra, theo công thức giá cơ sở thì thuế nhập khẩu được tính theo tỷ giá bình quân liên ngân hàng, trong khi Thông tư hướng dẫn Luật Hải quan mới đây lại yêu cầu doanh nghiệp áp dụng tỷ giá bán ra tại Vietcombank. Do đó, doanh nghiệp đã có văn bản kiến nghị gửi Bộ Tài chính.

Vị này cho biết dù có nguồn hàng được cung cấp từ nhà máy lọc dầu Dung Quất song với phần này, tập đoàn vẫn phải tính theo giá quốc tế và quy đổi ngoại tệ. 

Trước đó, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2015, Petrolimex đạt 43.565 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 22% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, nhờ chi phí giảm nên doanh nghiệp lãi sau thuế hơn 1.125 tỷ đồng, tăng 170% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng, tăng trưởng lợi nhuận đạt 137%, doanh thu gần 86.300 tỷ đồng.

Trong khi đó, đại hội đồng cổ đông Petrolimex đã thông qua kế hoạch doanh thu năm 2015 ở mức 154.000 tỷ, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 2.450 tỷ đồng.

Liên quan đến hoạt động kinh doanh xăng dầu, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam vừa có công văn kiến nghị Bộ Tài chính, Bộ Công Thương giảm thuế, thông qua việc thống nhất một mức thuế suất nhập khẩu theo thuế suất ưu đãi ở Đông Nam Á. 

Theo đó, các doanh nghiệp muốn đưa thuế nhập khẩu tại một số thị trường ngoài ASEAN với diesel từ 10% xuống còn 5%, dầu hỏa từ 13% xuống còn 5%, Zet A1 từ 10% xuống còn 5%, Mazut từ 10% còn 0% từ 1/10. 

Thực tế, hiện các doanh nghiệp chịu hai mức thuế suất nhập khẩu khác nhau, tùy từng khu vực. Nếu nhập từ thị trường ASEAN, từ năm 2015 thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt đối với diesel là 5%, dầu hỏa là 5%, nhiên liệu phản lực (Jet A1) là 5%, Mazut là 0% và từ năm 2016 các mặt hàng này sẽ về 0% theo cam kết ATIGA. Tuy nhiên, tại các thị trường khác, thuế suất vẫn cao hơn.

Thành Tâm – Ngân Hà

0913.756.339