HSBC dự báo tỷ giá cuối năm lên 22.800 đồng

Sau động thái Ngân hàng Nhà nước tăng tỷ giá thêm 1% và nới biên rộng biên độ giao dịch từ +/-2% lên +/-3%, HSBC cũng nâng dự báo tỷ giá VND/USD cuối năm nay lên mức 22.800 đồng, tăng so với mức ước tính 21.830 đưa ra trước đó. Sang năm 2016, tỷ giá kỳ vọng sẽ lên 22.300 đồng. Như vậy, nhà băng này cho rằng trong năm nay, Việt Nam tiền đồng sẽ giảm giá tổng cộng 5% (chưa tính phần nới biên độ từ +/-1% đầu năm lên +/-3%), và sang năm tiếp tục thêm 2%.

Dự báo tỷ giá USD/VND của HSBC

Tỷ giá VND/USD Quý III/2015 Quý IV/2015 Quý I/2016 Quý II/2016 Quý III/2016 Quý IV/2016
Dự báo mới 22.600 22.800 23.000 23.000 23.300 23.300
Dự báo cũ 21.830 21.830 22.300 22.300 22.300 22.300

Nguyên nhân chính khiến HSBC này cập nhật dự báo là rủi ro nhân dân tệ có thể còn giảm giá thêm và Ngân hàng Nhà nước phải giảm giá tiền đồng để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu. Ngoài ra, nếu Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất cuối năm nay cũng sẽ gây áp lực lên tiền đồng. “Quyết định giảm giá tiền đồng là một động thái để giảm áp lực của ngoại tệ trước khả năng Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) bắt tay vào chu kỳ siết chặt trước khi kết thúc năm 2015”, HSBC đánh giá.

ty-gia-5288-1440060741.jpg

HSBC dự báo tiền đồng sẽ phá giá thêm 2% trong năm nay.

Về việc nhà điều hành có thể dùng dự trữ ngoại hối để can thiệp thị trường, HSBC cho rằng dự trữ ngoại tệ của Việt Nam vẫn còn thấp, đạt khoảng 37 tỷ USD. Chia cho số tuần nhập khẩu, tỷ lệ này đang giảm dần. Ngoài ra, Bộ Tài chính đề xuất cho ngân sách vay từ quỹ dự trữ ngoại hối tài trợ cho các dự án Chính phủ cũng khiến Ngân hàng Nhà nước thiếu cơ sở để thực hiện cam kết của mình.

Tuy nhiên, nhà băng ngoại này không nghĩ rằng đồng Việt Nam sẽ bị phá giá mạnh từ nay về sau, mà một mức 2% là hợp lý. Nguyên nhân là nền kinh tế Việt Nam vẫn đang tăng trưởng, nhu cầu nội địa đã hồi phục và cán cân thanh toán cân bằng hơn, lạm phát thấp và lãi suất thực tế khá cao cho phép các chính sách tỷ giá trở nên linh động hơn trong khả năng kiểm soát nhu cầu USD. Ngoài ra, nợ nước ngoài của Việt Nam cao hạn chế cơ hội phá giá tiền đồng quá nhanh.

Ngày 19/8, Ngân hàng Nhà nước ra thông báo tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng thêm 1% và nới rộng biên độ giao dịch lên +/-3%. Đây là lần giảm giá tiền đồng thứ ba trong năm nay, tổng mức 3% và lần thứ hai nới biên độ trong chưa đầy một tuần (thêm +/-2%).

Động thái phá giá của Ngân hàng Nhà nước nêu bật những thách thức sâu sắc mà tiền đồng đang phải đối mặt trong thời điểm hiện tại. Điều này cũng ghi dấu một sự thay đổi đáng kể về chính sách tỷ giá mà từ đầu năm đã tuyên bố là không muốn giảm giá tiền đồng quá 2% trong năm 2015″, báo cáo mới cập nhật của HSBC bình luận.

Trong thông báo phát đi, nhà điều hành nhấn mạnh việc phá giá tiền đồng lần này là một bước đi cần thiết để đảm bảo các nhà xuất khẩu duy trì năng lực cạnh tranh trên các thị trường quốc tế. Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam, chiếm tới 21% tổng thương mại, việc đồng nhân dân tệ yếu hơn sẽ làm trầm trọng hơn nỗi lo sợ xuất khẩu sang nước này giảm sút, đẩy cán cân thương mại rơi vào ngưỡng thâm hụt sâu hơn. Thậm chí, hàng hóa Việt Nam cũng khó cạnh tranh với hàng “Made in China” trên thị trường quốc tế. 

VND-JPG-3755-1440062986.jpg

Trước khi có việc giảm giá tiền đồng và nới biên độ giao dịch gần đây, tiền đồng là một trong những loại tiền tệ mạnh nhất châu Á, mà theo ước tính của nhà băng ngoại đã tăng 9% so với năm trước – mức độ tăng giá nhanh nhất kể từ năm 2000.

Phương Linh

0913.756.339