Trong đó, tổng tài sản đạt 101.913 tỷ đồng. Tổng huy động trên thị trường I của LienVietPostBank tăng từ 77.820 tỷ đồng ngày 31/12/2014 lên 83.319 tỷ đồng vào ngày 30/6/2015, tăng 7,1% và đạt 72,5% kế hoạch năm 2015, cao hơn so với mức 4,58% của toàn ngành. Kết quả này một phần nhờ nguồn vốn đến từ hệ thống tiết kiệm bưu điện rộng khắp trên cả nước, chiếm gần 50% tổng vốn huy động, đảm bảo thanh khoản của LienVietPostBank luôn ổn định.
Bên cạnh huy động vốn, đơn vị cũng tận dụng được mạng lưới tiết kiệm bưu điện để cung ứng vốn cho người dân, kể cả vùng sâu vùng xa. Một lãnh đạo nhà băng chia sẻ, cho vay các đối tượng này đảm bảo bền vững hơn cho vay trong các lĩnh vực “nóng” khác.
Minh chứng cho điều này, chỉ trong 6 tháng đầu năm, lượng khách hàng vay vốn tại LienVietPostBank đã tăng gấp đôi với gần 50.000, chủ yếu là cá nhân và hộ gia đình. Trong hướng tăng trưởng này, ngân hàng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, đặc biệt là khu vực nông nghiệp – nông thôn. Tổng dư nợ tín dụng thị trường I của tăng 9.733 tỷ đồng (tương đương 21%) so với thời điểm đầu năm 2015.
Trong 6 tháng đầu năm 2015, LienVietPostBank thực hiện các quy định mới trong phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro theo Thông tư 02 và Thông tư 09 của Ngân hàng Nhà nước với những tiêu chuẩn cao hơn và chặt chẽ hơn, trích lập dự phòng đối với những khoản nợ xấu đã bán lại cho VAMC.
Theo đó, đơn vị đã dành hơn 292 tỷ đồng trích lập dự phòng rủi ro, tăng cường nguồn lực chủ động trong xử lý nợ xấu và an toàn hoạt động. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 1,2% tổng dư nợ.
Đại diện ngân hàng cho biết những năm tới, LienVietPostBank tiếp tục tập trung cho chiến lược tích lũy để phát triển, đầu tư chi phí để mở rộng mạng lưới tiếp cận khách hàng, từng bước gia tăng thị phần, tăng trưởng toàn diện về vốn huy động, tổng dư nợ và tổng tài sản để phát triển bền vững. Đơn vị đã có mặt tại 56 tỉnh thành mục tiêu phủ sóng khắp cả nước dự kiến hoàn thành vào giữa năm 2016.
Những yếu tố trên đã tác động trực tiếp tới lợi nhuận, với kết quả gần 160 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2015. Trong kỳ báo cáo, tổng dư nợ của LienVietPostBank tăng trưởng mạnh, chi phí trích lập dự phòng chung theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (với tỷ lệ trích lập 0,75%) cũng tăng lên và ảnh hưởng nhất định đến kết quả lợi nhuận.
Ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Quản trị LienVietPostBank khẳng định: “Ngân hàng vẫn thực hiện hướng chiến lược đầu tư mở rộng mạng lưới chi nhánh với trên 10.000 điểm giao dịch, dự kiến phủ sóng 100% mạng lưới chi nhánh trên toàn quốc vào tháng 6 năm 2016 để thu hút khách hàng và tạo lợi thế cạnh tranh lâu dài. Điều này trước mắt ảnh hưởng tới chi phí hoạt động và lợi nhuận của chúng tôi. Tuy nhiên, với mức tăng tưởng cao cả tổng tài sản, tín dụng và huy động vốn, ngân hàng sẽ có những bước tiến bền vững và mạnh mẽ hơn trong thời gian tới”.
Thu Ngân