20 năm trước Cheng Yonghao rời quê hương, một làng thuộc tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc mà không nghĩ mình sẽ có ngày trở lại. Nay anh đang là quản lý một trung tâm hỗ trợ dịch vụ mua sắm trực tuyến của Tập đoàn Alibaba tại đây.
Cheng chỉ là một nhân viên trong đội quân hùng hậu được Alibaba tuyển chọn nhằm phát triển hệ thống thương mại điện tử khu vực nông thôn, nơi có tốc độ tăng trưởng doanh thu nhanh hơn đô thị trong những năm gần đây. Tuy vậy, hãng này cũng đang khai thác được rất ít tiềm năng của thị trường trị giá 74 tỷ USD (ước tính vào năm 2016) này. Trong quý I/2015, cứ 10 đơn hàng thì chưa đầy một được vận chuyển ra ngoài các đô thị.
Quảng cáo của Alibaba tại làng Yuzhao, xã Tonglu, tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc). Ảnh: Reuters |
Trước tình hình đó, Alibaba đang tiến hành phổ cập kiến thức mua hàng trên mạng cho nông dân địa phương, thông qua đội ngũ nhân viên trẻ, có học thức và hiểu biết về công nghệ như Cheng. Để được lựa chọn cũng không hề dễ, ứng viên sẽ phải vượt qua quá trình xét tuyển gắt gao gồm 3 vòng: thi viết, thi kỹ năng máy tính và phỏng vấn. Một thí sinh tại tỉnh Hồ Nam cho biết có khoảng hơn 1.000 đơn đăng ký vào 50 vị trí đang tuyển tại khu vực này.
Trong vòng phỏng vấn, ứng cử viên sẽ được hỏi về những động lực thúc đẩy và làm sao để phát huy hết tiềm năng bản thân. Ước mơ của Cheng đơn giản là được sống và đóng góp cho quê hương và mong muốn người làng anh sẽ có mức sống tương đương với thành thị.
Trong đội ngũ này cũng có rất nhiều sinh viên đại học muốn công tác tại địa phương, theo tiếng gọi của chính sách phát triển nông thôn của chính phủ Trung Quốc. Nhiều cử nhân sau những năm bám trụ tại những thành phố lớn cũng bắt đầu trở về làng. “Có rất nhiều người có xuất xứ khác nhau, song tất cả đều rất trẻ trong độ tuổi 20 đến 35”, Xing Guanjie – đồng nghiệp của Cheng phân tích.
Những người như Cheng sẽ được đào tạo những kỹ năng cần thiết khi kinh doanh online như cách mở cửa hàng trực tuyến, cách tạo tài khoản trên trang thương mại điện tử Taobao của Alibaba, quản lý hoạt động kinh doanh và tư vấn món hàng vừa ý cho khách.
Theo kế hoạch, Alibaba sẽ khai trương hơn 100.000 trung tâm tư vấn dịch vụ bán hàng trực tuyến tại các khu vực xa trung tâm.
Bức tranh thương mại điện tử tại Trung Quốc đang có sự chuyển dịch dần dần từ khu vực thành thị sang nông thôn khi nhu cầu ở các thành phố lớn trở nên bão hòa, ngược lại cư dân các làng quê hẻo lánh mới bắt đầu tiếp cận dịch vụ kinh doanh nhiều tiện ích này.
Tại thủ phủ Hàng Châu của tỉnh Chiết Giang, một chủ cửa tiệm đèn điện – Chen Tiehua than thở: “Những cửa hàng kinh doanh nhỏ như chúng tôi không thể cạnh tranh được với thương mại điện tử”. Chen năm nay 45 tuổi và đang có kế hoạch nghỉ hưu sớm sau nhiều năm kinh doanh khó khăn.
Cách đó 30 phút lái xe, những dân làng Yuzhao đang tụ tập đặt hàng tại trung tâm dịch vụ Taobao. Zhu Linh, quản lý một trung tâm dịch vụ hỗ trợ, đang lướt qua các đơn hàng và tư vấn người dân chọn mua. “Hầu hết họ đều chỉ muốn mua những thứ rẻ nhất, nhưng tôi khuyên không nên làm vậy”, Zhu nói.
Một người dân đang xem xét một kiện hàng tại một xã thuộc Hàng Châu, Chiết Giang. Ảnh: Reuters |
Zhu cho biết do mới mẻ nên hầu hết cư dân địa phương đều tỏ ra hoài nghi trước loại hình kinh doanh này. Đa số đều lo lắng việc những món hàng đặt mua qua máy tính sẽ không tốt như khi họ mua trực tiếp tại cửa hiệu.
Tại một làng khác, Shen Zhixiang và bạn bè tụ tập bên một cửa hiệu bách hóa địa phương đang đóng cửa đìu hiu. Bên ngoài cửa hiệu là những tấm quảng cáo của Taobao, đặc trưng với màu xanh, cam. “Bây giờ tôi mua tất cả tại đây, từ thức ăn cho vật nuôi, tới gạo, quần áo, giày dép, lương thực, ngô giống…”, Shen chia sẻ.
Mặc dù tiềm năng thị trường rất lớn, song Jin Jianhang – Phó chủ tịch Alibaba, nhận định cơ sở hạ tầng khu vực nông thôn vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển thương mại điện tử. Trong diễn văn thúc đẩy kinh doanh trực tuyến khu vực này, ông ví von rằng trong khi các đô thị được xây dựng tráng lệ tiêu chuẩn châu Âu, vùng nông thôn Trung Quốc trông lạc hậu không khác châu Phi là bao nhiêu.
Đức Anh (Theo Reuter)