Dự trữ nước này còn 3.650 tỷ USD, tính đến hết tháng 7, giảm 42,5 tỷ USD so với tháng 6. Đây là mức giảm mạnh nhất từ tháng 3, theo số liệu của PBOC.
Đây là tháng thứ 3 liên tiếp dự trữ của Trung Quốc đi xuống. Từ mức kỷ lục 3.999 tỷ USD tháng 6/2014, con số này đã giảm 343 tỷ USD. Dù vậy, Trung Quốc vẫn đang là nước có dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới.
Số liệu về dự trữ ngoại hối được công bố ngay trước khi Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ liên tiếp trong 3 ngày qua, với tổng mức giảm giá lên tới 4,6%.
Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đã giảm đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: China Daily Asia |
Lo lắng về tăng trưởng kinh tế yếu nửa đầu năm đã châm ngòi cho làn sóng rút vốn khỏi Trung Quốc, Zeng Gang – nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc giải thích. “Thị trường kỳ vọng giá USD tăng mạnh đã tạo ra làn sóng này”, ông cho biết.
Trước đó, dự trữ nước này đã giảm 36,2 tỷ USD trong quý II và là quý thứ 4 liên tiếp đi xuống. “Đây là sự điều chỉnh hợp lý và chấp nhận được cho đến thời điểm này. Việc đó sẽ giúp đảo ngược đà tăng trong dài hạn của dự trữ ngoại hối mà không gây rủi ro”, Zeng cho biết.
Các nhà kinh tế học dự báo GDP quý III của Trung Quốc sẽ giảm nhẹ, từ 7% quý II. Nguyên nhân là hoạt động công nghiệp và đầu tư vào cơ sở hạ tầng đang ổn định, nhưng hoạt động tài chính và xây dựng lại giảm sút.
Zhu Haibin – kinh tế trưởng khu vực Trung Quốc tại JPMorgan Chase nhận định: “Điều quan trọng là các nhà hoạch định chính sách cần theo sát các yếu tố nền tảng có tác động đến dòng chảy vốn, đặc biệt khi Trung Quốc đang đẩy mạnh tự do lưu chuyển vốn và cho phép NDT đóng vai trò lớn hơn trong thị trường tài chính toàn cầu”.
PBOC bắt đầu báo cáo dự trữ ngoại hối hàng tháng, dày hơn so với hàng quý trước đây, do yêu cầu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) về minh bạch thông tin. Trong báo cáo cuối tuần trước, cơ quan này cũng cho biết sẽ tiếp tục theo dõi dòng chảy vốn xuyên biên giới để kiềm chế các động thái lưu chuyển ngoại tệ “bất thường”.
Hà Thu (theo Xinhua)