Từ 1/9 tới, Nghị định 60 sẽ có hiệu lực, cho phép nhà đầu tư nước ngoài mua tối đa 100% cổ phần tại các công ty đại chúng. Điều này làm nảy sinh một số ý kiến cho rằng có thể xảy ra hiện tượng nhà đầu tư nước ngoài thâu tóm, làm ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất công ty. Trước vấn đề này, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước – Nguyễn Thành Long khẳng định chỉ có thâu tóm thù địch mới là hiện tượng tiêu cực.
“Thâu tóm thù địch là việc một tổ chức tiến hành mua bán cổ phiếu mà cổ đông không biết. Song khi soạn thảo Nghị định 60, chúng tôi đã lường trước việc này để có những giải pháp ngăn chặn”, ông Long cho biết tại cuộc tọa đàm Nới room: Đón nhận cơ hội và thách thức từ dòng vốn nước ngoài chiều nay (7/8).
Các chuyên gia kỳ vọng khi mở room, Việt Nam sẽ lọt vào tầm ngắm của các nhà đầu tư quốc tế lớn. |
Cụ thể, nội dung Nghị định 60 cho phép nới tỷ lệ sở hữu nước ngoài theo quy định của điều lệ công ty, tức sự tham gia của nhà đầu tư mới sẽ được quyết định bởi các cổ đông, muốn bán một phần hay tất cả. Ủy ban Chứng khoán cũng quy định nếu tổ chức muốn sở hữu trên 25% vốn thì phải chào mua công khai, song hành với một hệ thống pháp luật về cạnh tranh.
“Có nhiều tầng lớp quy định về vấn đề này và theo tiêu chuẩn quốc tế. Do đó, quan trọng là cổ đông biết có quyền gì và sử dụng quyền đó để không bị thâu tóm”, vị này nói.
Chung quan điểm, Tiến sĩ Võ Trí Thành – Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định mua bán sáp nhập (M&A) là chuyện bình thường trong kinh tế thị trường. Thời gian qua, với tiềm lực của mình, doanh nghiệp nước ngoài chiếm ưu thế hơn khi mua doanh nghiệp nội, song ông cho rằng đây cũng là cách để doanh nghiệp Việt Nam học hỏi kinh nghiệm, tìm hướng đi mới sau M&A.
“Cạnh tranh bao giờ cũng có, chúng ta phải chấp nhận điều này khi hội nhập kinh tế. Tôi sợ nhất trên đời là không có cạnh tranh”, ông Thành chia sẻ.
Đại diện cho quỹ đầu tư chuyên làm cầu nối cho khối ngoại với thị trường chứng khoán trong nước, ông Lê Anh Tuấn – Phó tổng giám đốc Dragon Capital khẳng định mỗi nhà đầu tư đều có chiến lược khác nhau, không thể coi họ sẽ liên kết với nhau lại để thâu tóm các công ty, cũng như việc M&A không phải là thái độ thù địch mà bản chất chỉ là hoạt động đầu tư.
“Nhìn vào thị trường chứng khoán Thái Lan và Indonesia, họ đã mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài 15 năm, song chưa có trường hợp nào nhà đầu tư ngoại tạo ra ảnh hưởng xấu trong việc mua lại công ty. Do vậy, việc lo lắng là hơi quá”, ông Tuấn nói.
Theo thông tin từ lãnh đạo Ủy ban chứng khoán, hiện cơ quan này đang hoàn tất thông tư hướng dẫn về Nghị định 60. Dự kiến trong thứ 5 tuần tới, Ủy ban sẽ tổ chức hội thảo để cung cấp cho thành viên thị trường biết về những nội dung trong dự thảo. Văn bản này cũng tích hợp nội dung về việc các tổ chức phát hành có thể tra cứu được ngành nghề kinh doanh của mình trên cổng thông tin điện tử quốc gia, từ đó biết được ngành nào là kinh doanh có điều kiện, không có điều kiện. “Chúng ta sẽ sớm có những văn bản này trong thời gia tới”, ông Long cho hay.
Các chuyên gia kỳ vọng khi Nghị định 60 có hiệu lực, Việt Nam sẽ lọt vào “radar” của các nhà đầu tư ngoại, thị trường chứng khoán cũng được nâng từ hạng cận biên lên mới nổi để thu hút thêm nhiều vốn, tăng thanh khoản cho thị trường, tạo thuận lợi cho quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.
“Nghị định 60 là bản chào hàng rất đẹp khi Việt Nam sang Mỹ kêu gọi đầu tư. Họ đón nhận chúng ta là thị trường ổn khi nhận thấy thông điệp cải cách, hội nhập, tạo môi trường kinh doanh minh bạch cho người chơi”, ông Thành phát biểu.
Phương Linh